Thị trường dầu chứng kiến tuần tăng giá đầu tiên trong 8 tuần qua

13:30' - 16/12/2023
BNEWS Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 15/12, nhưng tăng khi tính chung cả tuần, qua đó đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong 8 tuần qua.

Đóng phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2024 giảm 15 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 71,43 USD/thùng, nhưng tăng 0,3% trong cả tuần qua. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2024 giảm 6 xu Mỹ, hay gần 0,1%, xuống 76,55 USD/thùng. Giá loại dầu này khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng 0,9%.

 

Giá dầu giảm mạnh hơn vào đầu phiên này sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh John Williams phát biểu với CNBC rằng còn quá sớm để bàn về việc đã đến lúc hạ lãi suất hay chưa. Ông cho biết: “Chúng tôi (Fed) chưa thực sự thảo luận về việc hạ lãi suất ở thời điểm hiện tại”.

Phát biểu này trái ngược với những bình luận trước đó của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng các quan chức của ngân hàng này đang bắt đầu bàn đến thời điểm hạ lãi suất.

Tuy nhiên, hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên này là những diễn biến căng thẳng tại Biển Đỏ. Các cuộc tấn công nhằm vào tàu đi qua vùng Biển Đỏ đã làm tăng nguy cơ gián đoạn hoạt động vận tải dầu và các hàng hóa khác.

Trong ngày 15/12 đã xảy ra 2 vụ tấn công nhằm vào các tàu chở hàng quốc tế đi qua Biển Đỏ, gồm tàu container MSC PALATIUM III - thuộc sở hữu của Thụy Sỹ và treo cờ Liberia, và tàu container Al Jasrah thuộc hãng vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức. Diễn biến này khiến Hapag-Lloyd phải cân nhắc tạm dừng các chuyến tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ, mặc dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Trước đó, trong tuần này, giá dầu đã có những diễn biến giằng co trong hai phiên đầu tuần, trước thềm cuộc họp chính sách của Fed, do những lo ngại về khả năng dư cung.

Mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hai còn gọi là OPEC+, cam kết sẽ cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong quý I/2024, song các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về việc tuân thủ cam kết này. Trong khi đó, mức tăng sản lượng tại các nước ngoài OPEC dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng dư cung trong năm 2024. Cùng lúc đó, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại vào năm 2024.

Tuy nhiên, giá dầu đã bật tăng mạnh mẽ trong hai phiên sau đó, nhờ đồng USD suy yếu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm 2024.

IEA dự đoán tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng 130.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, nhờ triển vọng nhu cầu tại Mỹ cải thiện và giá dầu giảm.

Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ khi đồng USD giảm sau khi Fed phát đi tín hiệu sẽ hạ lãi suất trong năm 2024. Lãi suất giảm sẽ làm giảm chi phí vay tiêu dùng, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu. Ngoài ra, đồng USD suy yếu sẽ khiến dầu mỏ trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục