Thị trường dầu mỏ chứng kiến một tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2016

16:57' - 03/09/2016
BNEWS Mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần sau khi chứng kiến 4 phiên đi xuống liên tiếp, song thị trường dầu thế giới không tránh được tuần rớt giá thảm hại nhất kể từ tháng 7/2016.
Thị trường dầu mỏ chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2016. Ảnh: Reuters

Đồng USD mạnh lên khi thị trường đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất, và nhân tố này đã phủ "bóng đen" lên thị trường dầu mỏ ngay từ đầu tuần này (ngày 29/8).

Ngoài ra, nỗi lo dai dẳng về tình trạng dôi dư nguồn cung vẫn tiếp tục đè nặng tâm lý các nhà đầu tư năng lượng, sau khi Iran có kế hoạch sẽ tăng sản lượng khai thác. Tehran đang cố lấy lại thị phần đã mất trong thời gian nước này bị quốc tế áp đặt các lệnh cấm vận.

Sản lượng khai thác dầu của Iran đang ở mức 3,8 triệu thùng dầu/ngày và kể từ khi được gỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế hồi tháng Một năm nay, nước này đặt mục tiêu nâng sản lượng lên trên 4 triệu thùng dầu/ngày. Thêm vào đó, báo cáo công bố ngày 31/8 của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thương mại của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 26/8 tăng 0,4%, lên 525,9 triệu thùng, cao hơn gần 16% so với cùng kỳ năm 2015, cũng khiến giá dầu mỏ tiếp tục giảm sâu.

Tại phiên giao dịch đầu tiên của tháng Chín, thị trường dầu đánh dấu phiên mất giá thứ tư liên tiếp, giữa bối cảnh một số nước thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) như Iran và Iraq không chứng tỏ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ giảm sản lượng khai thác, còn Nga - một trong những nhà sản xuất dầu mỏ chủ lực trên thế giới dù không phải thành viên của OPEC - đã “bóng gió” rằng nước này sẽ không hạ thấp sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak được dẫn lời cho hay các cuộc đàm phán về vấn đề "đóng băng" sản lượng có thể không cần thiết, nếu giá “vàng đen” được giao dịch ở mức khoảng 50 USD/thùng.

Đà giảm của giá dầu từ đầu tuần đã làm "bốc hơi" hầu hết nỗ lực đi lên của mặt hàng này vào đầu tháng Tám, khi thị trường khởi sắc nhờ hy vọng vào một thỏa thuận nhằm hạn chế nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt tại cuộc họp không chính thức của các thành viên OPEC vào tháng Chín, bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế tại Algeria.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 2/9), giá dầu đã đảo chiều đi lên, khi báo cáo việc làm gây thất vọng của Mỹ trong tháng 8/2016 dường như đã đẩy lùi khả năng Fed quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng này (20-21/9). Trong khi đó, Tổng thống Nga lên tiếng kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ cùng nước này tiến tới một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng nhằm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 10/2016 tăng 1,28 USD, lên 44,44 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI hạ 6,7%, ghi dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 8/7. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tiến 1,38 USD, lên 46,83 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá loại dầu này hạ 5,3%.

Đà tăng của giá dầu phiên cuối tuần được sự hậu thuẫn của báo cáo việc làm ngày 2/9 của Bộ Lao động Mỹ khi cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm 151.000 việc làm trong tháng Tám, thấp hơn dự báo tăng 170.000 việc làm từ các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch, đồng thời cũng giảm mạnh so với số việc làm tạo được trong tháng Bảy (đã có điều chỉnh) là 275.000 việc làm.

Thông tin này góp phần xua bớt đi những đồn đoán về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng Chín. Việc Fed tăng lãi suất sẽ hỗ trợ đồng USD mạnh lên, song lại khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác.

Báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã tăng thêm 1 giàn khoan, lên 407 chiếc.

>>>Thị trường vàng thế giới: Một tuần biến động thất thường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục