Thị trường dầu mỏ diễn biến ra sao trong năm 2017?

18:52' - 31/12/2016
BNEWS Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ tương đối ổn định trong năm 2017, sau ba năm trì trệ và sụt giảm liên tục.
Dự báo thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2017. Ảnh: EPA

Giá "vàng đen" bắt đầu tăng trở lại trong những tháng cuối năm 2016, khi giá dầu Brent giao dịch ở mức 56,23 USD/thùng, tăng gấp đôi so với mức 28 USD/thùng hồi đầu năm. Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ tương đối ổn định trong năm 2017, sau ba năm trì trệ và sụt giảm liên tục.

Theo tạp chí Năng lượng Nigeria số ra mới đây, sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô hồi đầu năm nay được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 2003 và khiến các nước sản xuất dầu mỏ "hoảng loạn".

Tuy nhiên, sau gần một năm đàm phán căng thẳng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nước sản xuất dầu lớn nằm ngoài tổ chức này hồi tháng 12/2016 đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày bắt đầu từ đầu năm 2017, trong đó các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày và các nước không phải thành viên OPEC cắt giảm khoảng 600.000 thùng/ngày.

Đây được coi là bước đột phá của các nước trong nỗ lực đẩy giá dầu lên trong thời gian tới. Mặc dù, vẫn còn những bất đồng giữa Saudi Arabia và Iran về vấn đề Trung Đông, song hai nước sản xuất dầu lớn này đã đi đến một thỏa thuận chung, qua đó cho thấy OPEC có thể vượt qua các bất đồng chính trị để tăng cường lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên các chuyên gia dầu mỏ quốc tế vẫn khuyến cáo dù có những dấu hiệu khả quan nhưng thị trương dầu mỏ vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn, nhất là giá dầu có thể bị ảnh hưởng bởi đồng USD có thể tăng mạnh nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.

Đặc biệt, một số nước sản xuất dầu lớn có thể "giải phóng" các kho dự trữ dầu khổng lồ đã được dự trữ trong nhiều năm qua với khối lượng ước tính lên tới hơn 3 tỷ thùng, trong đó có Mỹ.

Ngoài ra, các nước sản xuất dầu cũng có thể không tôn trọng toàn bộ cam kết của mình về cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày, mặc dù các nước đã thiết lập một Ủy ban giám sát thực hiện các thỏa thuận và cam kết mới đây.

Theo các nhà phân tích năng lượng thế giới, yếu tố có thể tác động mạnh lên thị trường dầu mỏ và lĩnh vực dầu khí là chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump về chính sách kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, việc giá dầu tăng trở lại đồng nghĩa với việc nguồn vốn đầu tư sẽ lại đổ vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như số lượng giàn khoan dầu đã tăng trở lại trong những tháng gần đây và có những dấu hiệu "âm thầm" phục hồi sản xuất trong lĩnh vực nhạy cảm, vốn đã bị kìm hãm do giá dầu sụt giảm mạnh thời gian qua.

>>> Giá dầu thế giới năm 2016 chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong bảy năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục