Thị trường dầu mỏ toàn cầu đứng trước thay đổi về kết cấu cung-cầu

06:30' - 28/11/2021
BNEWS Biến động của thị trường hiện nay rất có thể là kết quả của sự thay đổi kết cấu cung cầu mà thị trường dầu thô tiếp tục đối diện sau cuộc cách mạng dầu đá phiến.

Giá dầu thế giới đã tăng với tốc độ chóng mặt trong những tháng gần đây. Ngày 26/10, giá dầu thô Brent có thời điểm đạt 86,4 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. 

Sau đó, mặc dù có sự điều chỉnh nhẹ, nhưng cơ bản giá dầu vẫn dao động ở ngưỡng 80 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu của đợt biến động giá này là do sau khi tình hình dịch bệnh lắng dịu, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô tiếp diễn với thời gian kéo dài lâu hơn nhiều so với trước đây.

Số liệu thống kê cho thấy sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác  (OPEC+) cắt giảm mạnh sản lượng 10 triệu thùng/ngày vào tháng 6/2020, thị trường dầu mỏ thế giới chuyển từ trạng thái cung lớn hơn cầu sang cầu lớn hơn cung và đến nay tình hình vẫn chưa có thay đổi.

* Vì sao giá dầu liên tục leo thang?

Quan sát thị trường dầu thô kỳ hạn có thể thấy đường cong hợp đồng tương lai dầu thô Brent (CCRV) đã thể hiện rõ trạng thái bù hoãn bán, trong đó phản ánh nhu cầu ngắn hạn mạnh hơn cung trong gần một năm.

Vấn đề là ngay cả khi thị trường dầu mỏ thế giới chủ yếu nằm trong sự kiểm soát của OPEC và chức năng thị trường không dễ phát huy trong ngắn hạn, nhưng trạng thái mất cân bằng cung cầu kéo dài lần này là điều hiếm thấy. Do đó, biến động của thị trường hiện nay rất có thể là kết quả của sự thay đổi kết cấu cung cầu mà thị trường dầu thô tiếp tục đối diện sau cuộc cách mạng dầu đá phiến.   

Trước hết, nhu cầu nhiên liệu phục hồi sau dịch bệnh. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dưới "trụ đỡ" của chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ các nước, tình trạng suy giảm kinh tế không diễn ra nhanh như dự kiến. Hơn nữa, nhu cầu sản phẩm trong thời kỳ chống dịch đã thúc đẩy ngành sản xuất dần phục hồi. Cùng với việc vaccine ngừa COVID-19 ra đời, các biện pháp phong tỏa nền kinh tế dần nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu dầu thô gia tăng. Giá khí đốt tự nhiên leo thang càng thúc đẩy nhu cầu dầu thô dùng để phát điện. 

Hệ quả là, dưới sự tác động của nhiều yếu tố như giao thông, công nghiệp và nhu cầu phát điện, tốc độ gia tăng của nhu cầu dầu thô thế giới nhanh hơn nhiều so với dự kiến.  

Thứ hai, giá dầu tiếp tục leo thang, nhưng sự phục hồi của nguồn cung chậm. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động đầu tư vào dầu thô không đủ mạnh và quá trình chuyển đổi năng lượng khiến nguồn cung dầu mỏ xuất hiện sự thay đổi mang tính kết cấu. Hơn nữa hai nhân tố này ảnh hưởng đan xen lẫn nhau càng kiềm chế nguồn cung dầu thô.

 

Số liệu cho thấy các nhân tố như cổ đông muốn giảm nợ, tăng cổ tức và mục tiêu dài hạn về trung hòa carbon đã khiến hoạt động đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác trong ngành dầu khí trên toàn cầu tiếp tục không được đảm bảo. Hơn nữa, việc chuyển đổi năng lượng lại không ngừng gia tăng sức ép “không đầu tư” vào ngành dầu mỏ. 

Chẳng hạn, sau khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ, ông đã hạn chế cấp phép hoạt động khoan thăm dò mới, cũng như hủy dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa Mỹ và Canada, khiến sản lượng dầu đá phiến không thể quay lại thời kỳ "hoàng kim" trước đây.

Đối với các “ông lớn” dầu mỏ, sức ép gia tăng chuyển đổi năng lượng đến từ chính phủ, giới học giả, các tổ chức bảo vệ môi trường cũng khiến các cổ đông không sẵn sàng đầu tư. Do các nhà đầu tư trên thị trường lo ngại năng lượng hóa thạch sẽ bị thay thế nên yêu cầu cổ tức cao hơn trước đây cũng là nhân tố quan trọng khiến hoạt động đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác không nhiều. 

Kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia của Mỹ. Ảnh: Gulf News/TTXVN
* Giải mã nghịch lý trên thị trường dầu mỏ

Vấn đề cần suy ngẫm là nhiên liệu hóa thạch sẽ dần bị thay thế và giá dầu thế giới tiếp tục leo thang. Vậy làm thế nào mà hai hiện tượng hoàn toàn trái ngược nhau lại có thể xảy ra cùng một lúc? 

Hiện tượng dầu cá voi vào thế kỷ 19 đã cung cấp một số lý giải. Dầu cá voi từng là nhiên liệu thắp sáng chủ yếu của Mỹ và châu Âu. Trong 20 năm sau khi được phát hiện vào năm 1846, dầu hỏa dần thay thế dầu cá voi. Tuy nhiên, giá dầu cá voi không những không sụt giảm mà còn lập mức cao kỷ lục vào năm 1865. Mấu chốt của vấn đề là giá dầu hỏa vẫn còn cao và nguồn cung hạn chế trong giai đoạn đầu, đồng thời khi nguồn cung dầu cá voi giảm dần đã tiếp tục hỗ trợ giá dầu cá voi mạnh lên.

Không có gì ngạc nhiên khi một số nhà phân tích thị trường dự đoán: “Đỉnh cung dầu thô có thể đến trước đỉnh cầu”. Nếu như vậy, giá dầu có thể vẫn ở mức cao trong một thời gian trong quá trình thay thế năng lượng hóa thạch.

Từ đó có thể thấy rằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các nước chậm phát triển năng lượng tái tạo vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và an ninh năng lượng sẽ trở thành mối nguy lớn đối với an ninh kinh tế của các nước này. Do đó, không nên kỳ vọng quá mức vào việc sẽ có năng lượng chi phí thấp trong quá trình thay thế nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, sự đa dạng của các nguồn cung cấp sẽ giảm dần, và việc thiếu hụt năng lượng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.

Đồng thời, sự biến động giá nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục gia tăng, giống như dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái, do sản lượng dầu đá phiến tăng chậm lại và OPEC mở rộng sức ảnh hưởng đối với giá dầu thô, dẫn đến sự biến động giá gia tăng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục