Thị trường đồ chơi tại Pháp đạt doanh thu cao kỷ lục năm 2021

08:48' - 18/01/2022
BNEWS Thông tin từ tập đoàn NPD chuyên nghiên cứu phát triển sản phẩm mới cho biết năm 2021 có thể coi là năm kỷ lục của thị trường đồ chơi ở Pháp với doanh thu 3,7 tỷ euro, đứng thứ hai ở châu Âu, sau Đức.

Từ mùa Hè năm 2021, các nhà sản xuất và phân phối đồ chơi tại Pháp đã lo lắng về nguy cơ thiếu hàng trên kệ khi Giáng sinh đến gần, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Được các nhà sản xuất và nhà phân phối cảnh báo về tình trạng thiếu hàng có thể xảy ra, người tiêu dùng đã mua sắm Giáng sinh sớm hơn nhiều so với bình thường.

 

Theo ông Frédérique Tutt, chuyên gia đồ chơi tại tập đoàn NPD chuyên về nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, từ tháng Mười, các siêu thị đã chứng kiến doanh số đồ chơi của họ tăng vọt. Các mạng mua bán online cũng góp phần khiến thị trường này sôi động hơn.

Cuối năm là thời điểm thực sự quan trọng đối với ngành hàng đồ chơi khi doanh thu chiếm đến 53% cả năm. Nhờ đó, năm 2021, doanh số bán đồ chơi tăng 3% so với năm 2020 và đạt mức kỷ lục 3,7 tỷ euro.

“Sau năm 2020 không tăng trưởng do phải đóng cửa các cửa hàng đồ chơi trong vài tháng, sự phục hồi này chứng tỏ tầm quan trọng của trò chơi và đồ chơi đối với người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi", ông Frédérique Tutt nhận xét.

Theo ông, chính giãn cách xã hội đã góp phần giúp ngành hàng này kiếm lời. Cha mẹ mua những thứ để giúp con cái giải khuây ở nhà, và người lớn coi trọng những trò chơi dành cho chúng hơn.

Đầu năm 2021, khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực và mô hình làm việc từ xa được áp dụng, thị trường đồ chơi đã trở nên sôi động hẳn lên với doanh số tăng 4% vào cuối tháng Chín.

Đồ chơi phổ biến nhất là các trò chơi xếp hình và câu đố (+12%), các bộ thẻ bài Pokemon, thú nhồi bông (+12%) và các nhân vật hành động giả tưởng (+8%). Các bộ đồ lắp ráp, sách nói Lunii và bộ sưu tập thời trang búp bê Barbie là ba món đồ chơi bán chạy nhất tại Pháp trong năm qua.

Theo dự báo của chuyên gia đồ chơi tại tập đoàn NPD, năm 2022 sẽ khó khăn hơn một chút đối với lĩnh vực này do bùng nổ về chi phí sản xuất và vận chuyển. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến giá thành các món đồ chơi và các bố mẹ sẽ phải chuẩn bị tinh thần mở rộng "hầu bao" hơn để đáp ứng nhu cầu của con trẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục