Thị trường hàng hóa ngày 4/1: Giá dầu đảo chiều tăng hơn 3%

09:59' - 04/01/2024
BNEWS Giá dầu WTI tăng 3,3% lên 72,70 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,1% lên 78,25 USD/thùng.

Thị trường hàng hóa ngày 4/1. Ảnh minh họa. MXV

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm kim loại, nguyên liệu công nghiệp suy yếu thì nhóm năng lượng đã tăng, giá dầu đảo chiều tăng hơn 3%. Phiên giao dịch hôm qua 3/1, Chỉ số MXV-Index nâng 0,53% lên 2.122 điểm, kết thúc chuỗi giảm ba ngày liên tiếp.

*Giá dầu đảo chiều tăng hơn 3%

Theo MXV, giá dầu đảo chiều tăng về cuối phiên hôm qua do lo ngại gián đoạn nguồn cung tại mỏ dầu hàng đầu của Libya. Ngoài ra, căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro nguồn cung gián đoạn tại khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng thúc đẩy lực mua.

 

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 3,3% lên 72,70 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,1% lên 78,25 USD/thùng.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình về dầu mỏ ở Libya đã buộc các nhà khai thác nước này phải giảm tối đa, thậm chí hoàn toàn sản lượng dầu tại mỏ Sharara của Libya. Sharara là mỏ dầu lớn nhất của Libya và có công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Những người biểu tình tuyên bố mỏ này không được mở cửa cho đến khi yêu cầu tăng chất lượng dịch vụ và điều kiện làm việc của của toàn bộ khu vực Fezzan Nam Libya được phê duyệt. 

Thị trường cũng đang lo các cuộc biểu tình lan sang mỏ El Feel với công suất 60.000 thùng/ngày ở gần đó. Rủi ro nguồn cung gián đoạn tại Libya, thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày, đã thúc đẩy mạnh mẽ lực mua trên thị trường, kéo giá dầu tăng vọt về cuối phiên.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao. 

Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo mua tới 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) giao vào tháng 4/2024. 

*Giá đậu tương hồi phục

Sau khi giảm về vùng giá thấp nhất trong vòng 6 tháng vừa qua, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 3 đã hồi phục trở lại trong ngày giao dịch hôm qua. Tình hình vụ mùa tại khu vực Nam Mỹ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường khi thời tiết tại các nước trong khu vực đang dần được cải thiện.  

Mưa trên diện rộng thời gian gần đây ở các khu vực sản xuất chính đã giúp độ ẩm đất được cải thiện trên khắp vùng đồng bằng Pampas, hỗ trợ cho cây trồng tại Argentina phát triển tốt hơn. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết tiến độ trồng đậu tương của Argentina hiện đã đạt 80% diện tích dự kiến nhờ thời tiết thuận lợi, triển vọng nguồn cung tại nước này khá tích cực.  

Mặt khác, dù thời tiết có sự cải thiện, Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp StoneX vẫn hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil xuống còn 152,8 triệu tấn, giảm mạnh so với dự đoán 161,9 triệu tấn trước đó và thấp hơn mức 157 triệu tấn trong niên vụ 22/23. StoneX cho biết tháng trước, mưa không đồng đều ở các vùng trồng đậu tương của Brazil, bao gồm bang sản xuất ngũ cốc lớn nhất nước này là Mato Grosso. Sản lượng của bang này còn được dự báo giảm hơn 14% so với vụ trước. Đây là yếu tố đã góp phần cân bằng lực bán của thị trường. 

Trong khi đó, giá dầu đậu tương ghi nhận mức tăng 0,6% vào hôm qua, là mặt hàng tăng mạnh nhất các mặt hàng nguyên liệu nông sản. Mặc dù chịu sức ép khi mở cửa, tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực mua đối với dầu đậu ngày càng mạnh nhờ được hỗ trợ bởi diễn biến dầu thô. Tương tự đậu tương, khô đậu cũng nhận được lực mua nhẹ trong phiên vừa rồi.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận cho thấy giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh giảm nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân lên mức 13.600 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá khô đậu tương dao động quanh mức 13.100 - 13.400 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 đồng so với cảng Cái Lân. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục