Thị trường lao động Nhật Bản đứng trước cơ hội “chuyển mình”

08:39' - 18/09/2023
BNEWS Thị trường lao động Nhật Bản đang bước vào giai đoạn thay đổi cấu trúc, do tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng.
Thị trường lao động Nhật Bản đang bước vào giai đoạn thay đổi cấu trúc, do tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng, đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giữa bối cảnh an ninh kinh tế có nhiều rủi ro.

Tỷ lệ tăng trưởng tiền lương của Nhật Bản đang “chạy” với tốc độ nhanh nhất của ba thập kỷ. Nhưng Thủ tường Nhật Bản Fumia Kishida cho biết ông muốn thấy mức tăng lương sẽ "cao hơn vài điểm phần trăm" so với tỷ lệ lạm phát quốc gia.

Các cuộc khảo sát vừa được thực hiện ở khu vực tư nhân của Nhật Bản cho thấy tình trạng thiếu lao động sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới. Khảo sát ước tính vào năm 2040, Nhật Bản sẽ thiếu hụt hơn 11 triệu lao động, dựa trên con số 67 triệu lao động tính đến tháng 7/2023.
 
Trong ngắn hạn, trình trạng thiếu lao động được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực dịch vụ và các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động như điều dưỡng, chăm sóc người bệnh và công nhân ngành xây dựng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng đang trở nên tồi tệ hơn.

Hơn nữa, một cuộc khủng hoảng tiềm tàng đang rình rập ngành logistics, khi Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch áp đặt giới hạn về số giờ làm thêm, coi đây là một phần của hệ thống cải cách thị trường lao động, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt lái xe trầm trọng.

Tại quốc gia Đông Á này, hệ thống việc làm phần lớn dựa trên cơ sở thâm niên. Năng suất lao động của Nhật Bản tương đối thấp và người lao động không muốn “nhảy việc”, chuyển từ công ty này sang công ty khác. Những yếu tố đó góp phần khiến tăng trưởng tiền lương của Nhật Bản "nhích từng li" trong nhiều năm.

Trong hơn một thập kỷ qua, Nhật Bản đã chứng kiến ngày càng nhiều phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động. Nước này đã mở cửa chào đón nhiều lao động nước ngoài hơn. Mặc dù vậy, tiến trình mở cửa cho người nhập cư vẫn bị đánh giá là chậm hơn so với nhiều nước khác. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng Nhật Bản khó có thể cạnh tranh với các nước khác về mức lương trả cho người lao động.

Một số lĩnh vực đang thu được lợi ích từ tự động hóa và công nghệ AI, đồng thời nhiều công ty có kế hoạch tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này, nhưng chính xu hướng này lại đem đến một số tác động lâu dài đối với thị trường lao động.

Theo ước tính của Viện nghiên cứu Mitsubishi, để đạt được mục tiêu trở thành một trong những cường quốc về chất bán dẫn (chip) và hàng hóa công nghệ cao, Nhật Bản sẽ cần một số lượng lớn kỹ sư chuyên nghiệp để có thể tăng gấp đôi thị phần trong lĩnh vực này lên 15% vào năm 2035.

Viện Mitsubishi ước tính 9,7 triệu việc làm sẽ bị mất vào năm 2035 do ảnh hưởng của số hóa, bao gồm cả AI. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn sẽ diễn ra trong năm đó, do nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, cũng như nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia.

Một thách thức đối với thị trường lao động rộng lớn hơn của Nhật Bản là tỷ lệ người lao động làm các công việc không thường xuyên hoặc các công việc có sự đa dạng và thay đổi liên tục thấp hơn so với các quốc gia như Mỹ và Anh, xuất phát từ tình trạng thiếu hụt các lao động ngành nghề kỹ thuật chuyên nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy cải cách thị trường lao động, nhấn mạnh tới nhu cầu đào tạo lại các lao động, chuyển từ việc làm dựa trên thâm niên sang chất lượng lao động. Thủ tướng Kishida cho rằng sự dịch chuyển lao động sẽ giúp Nhật Bản hướng tới việc thiết lập chu kỳ tăng trưởng kinh tế tích cực và tái phân phối của cải.

Ông Masashi Santo, giám đốc nghiên cứu nguồn nhân lực tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, cho biết: “Điều quan trọng là phải suy nghĩ về cách chúng ta có thể đạt được sự chuyển đổi và thấy nhiều người tham gia vào các công việc không thường xuyên hơn”, thông qua đào tạo lại hoặc nâng cao các loại kỹ năng cần thiết.

Các nhà kinh tế nhận định tăng cường lao động lành nghề hơn có thể giúp thúc đẩy năng suất lao động của Nhật Bản và mang lại lợi ích tích cực cho nền kinh tế.

Vào năm 2021, năng suất lao động của Nhật Bản được ghi nhận là thấp nhất trong Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục