Thị trường lao động tại Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau dịch sẽ ra sao?
Sự dịch chuyển lao động từ cuối tháng 7/2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam dự báo đối diện nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, nhất là khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp phục hồi, tái sản xuất, nhất là thời điểm những tháng cuối của năm 2021.
Đây cũng là nội dung trọng tâm mà lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành phố trong nước, các hiệp hội, doanh nghiệp trao đổi tìm giải pháp hạn chế tác động của dịch COVID-19 có khả năng làm đứt gãy nguồn cung lao động, đồng thời kết nối cung - cầu nhân lực tại tọa đàm "Nguồn nhân lực lao động cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều 1/10.
* Thiếu hụt lao động
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, tác động của dịch COVID-19 lần thứ tư đến doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam vô cùng lớn. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hàng triệu lao động đã phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.
Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Dịch bệnh bùng phát, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt, tâm lý ở những khu vực nhà trọ, đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc về quê. Nhiều người đã tự phát về quê bằng các phương tiện cá nhân. Nhiều người về quê theo kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo theo dõi y tế, phòng, chống dịch COVID-19.
Số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Điều này cho thấy nguy cơ "thiếu hụt lao động" với số lượng lớn trong và sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…
Ông Lê Minh Tấn, Giám Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân.
Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 trong 5 tháng gần đây đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ và cả các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… khiến chỉ còn 700 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến” với 600.000 lao động.
Số doanh nghiệp còn lại cùng với hơn 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương và hơn 660.000 lao động tự do cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông…. trong đó, nhiều doanh đang chật vật để trụ lại nhưng nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận phá sản, rút tên khỏi thị trường.
"Về cung ứng lao động, 5 tháng qua tỉ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm. Để đáp ứng nhu cầu lao động, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm đang triển khai các giải pháp kết nối cung cầu lao động để đảm bảo việc làm cho người lao động”, ông Tấn nhấn mạnh.
Tương tự, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Thời gian dịch bệnh bùng phát chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp thực hiện theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 250.000 người.
Hiện có khoảng 750.000 người phải ngừng việc và dự báo trong thời gian tới tỉnh Bình Dương có thể thiếu khoảng 40.000 - 50.000 lao động. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động khi dịch bệnh được kiểm soát.
Cùng quan điểm, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp cũng như nhiều công nhân đang rất lo lắng không biết khi nào được trở lại làm việc. Thực tế những tháng qua, công nhân đã rất vất vả để duy trì cuộc sống. Ngược lại, khi thông tin Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, Công ty đã bố trí xe để đưa rước công nhân giữa thành phố và các tỉnh.
*Nhiều giải pháp tích cực từ doanh nghiệp, địa phương
Khảo sát từ nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam, Tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội khẳng định hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Để đảm bảo nguồn cung lao động, ông Vũ Trọng Bình khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.
Để thu hút người lao động trở lại làm việc, phục hồi sản xuất kinh doan, ông Vũ Trọng Bình đề nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn.
Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp để đưa đón, cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại hoặc trở lại làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Chuẩn bị cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu chế xuất, Khu công nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp…
Trong đó, tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh...
Từ kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lo lắng về nguồn lao động có thể thiếu hụt do rất nhiều lao động đã về quê.
Tuy nhiên, qua khảo sát của Hội, phần lớn người lao động làm việc trong ngành dệt may, thêu đan có sự gắn bó lâu năm, người lao động có sự chia sẻ với doanh nghiệp rất cao nên việc họ có về quê cũng có thể sớm quay trở lại ở đạt ở mức 70% - 80%.
“Đại dịch đã khiến cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dệt may có cái nhìn sâu hơn về việc chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã lập Quỹ chăm lo cho người lao động trong suốt thời gian đại dịch diễn ra bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Để giữ chân người lao động trong đại dịch, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho rằng, nếu làm không tốt, chăm lo không tốt cho người lao động, sau đại dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện "3 tại chỗ", lãnh đạo Công ty đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động; chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn để tăng cường sức khoẻ cho người lao động.
Để thu hút người lao động sớm trở lại làm việc, Tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần kết nối với tổ chức Công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động để phối hợp thông tin về sự bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng như cam kết của doanh nghiệp và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm.
"Thông qua mạng xã hội, điện thoại, Zalo… doanh nghiệp cần gửi thư kêu gọi, công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; có chính sách khuyến khích đặc biệt cho người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời phối hợp để tổ chức đón người lao động trở làm việc…", ông Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư, kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động được tốt hơn. Qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động, nâng cao sự ứng phó của doanh nghiệp trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch…
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các tỉnh, thành phố cần thống nhất và tạo điều kiện giao thông, đi lại thuận tiện cho người lao động cũng như vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; tạo điều kiện cho các chuyên gia được vào các tỉnh, thành phố để làm việc; bố trí quỹ đất để xây dựng khu lưu trú, ký túc xá đủ điều kiện, phù hợp với nhu cầu của công nhân.
Các doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng chống dịch; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng trước dịch COVID-19..../.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất cho người lao động di chuyển giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận
20:24' - 01/10/2021
Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã hoàn thiện và trình UBND Tp. Hồ Chí Minh phương án tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
-
Kinh tế Việt Nam
Chốt phương án vận chuyển người lao động đến Tp. Hồ Chí Minh làm việc
13:54' - 01/10/2021
UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa có văn bản về tổ chức vận chuyển người lao động đến Tp. Hồ Chí Minh làm việc trong tình hình mới, với ba phương thức vận chuyển theo hai giai đoạn.
-
Đời sống
Bình Dương vận động người lao động về quê tự phát trở lại làm việc
13:45' - 01/10/2021
Đến sáng 1/10, Bình Dương chưa có chủ trương cho người dân tự do di chuyển liên tỉnh. Chính quyền Bình Dương đang vận động đưa người dân trở lại nơi ở, để làm việc, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải quyết kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do COVID-19
07:00' - 01/10/2021
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đối với đề xuất của Bộ Công Thương về các giải pháp hỗ trợ người lao động trong ngành công nghiệp.
-
Kinh tế & Xã hội
Hà Nội giải quyết việc làm cho 116,1 nghìn lao động
22:00' - 30/09/2021
Trong 9 tháng của năm 2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 116,1 nghìn lao động, đạt 72,5% kế hoạch giao trong năm, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ
22:00'
Ngày 2/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội: Một số khu vực phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp
21:53'
Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp.
-
Kinh tế Việt Nam
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
21:32'
Mục tiêu đến năm 2030 thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại...
-
Kinh tế Việt Nam
Kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
21:27'
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa ký Quyết định số 39/QĐ-BCĐĐMPTKTTTHTX ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo này.
-
Kinh tế Việt Nam
Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030
21:26'
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
-
Kinh tế Việt Nam
Lào Cai đảm bảo thông quan nhanh hàng nông sản
20:35'
Trong những ngày qua hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai khá thuận lợi, không có hiện tượng bị ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
-
Kinh tế Việt Nam
Ông Tống Thanh Hải được giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu
19:46'
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 627/QĐ-TTg giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đối với ông Tống Thanh Hải.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết nối hợp tác giữa Lào Cai với các địa phương của Nhật Bản
19:01'
Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân cấp cho địa phương kiểm tra, giám sát cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm
17:58'
Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương và các đơn vị đăng kiểm thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.