Thị trường nguyên liệu thế giới: Năm 2016 có còn khó khăn?
Giá dầu thô thế giới năm 2015 trung bình thấp hơn gần 50% so với năm 2014, trong khi giá các kim loại như đồng, than và quặng sắt đều giảm mạnh. Tình trạng lao dốc của giá các khoáng sản này đã kéo giá cổ phiếu của các công ty dầu khí và khai mỏ xuống gần mức thấp kỷ lục.
Các công ty và doanh nghiệp khai thác mỏ như tập đoàn khai mỏ và giao dịch hàng hóa đa quốc gia Glencore (Anh - Thụy Sỹ) phàn nàn rằng kim loại đồng và niken bị rớt giá một cách “không công bằng” trước sự sa sút của giá dầu thô thế giới, cùng những phản ứng của giới đầu cơ liên quan tới việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Các công ty và nhà khai mỏ tin rằng nhu cầu kim loại ở châu Á vẫn mạnh và đang gia tăng, còn nguồn cung dễ bị ảnh hưởng bởi giá cả, nhiều khi giá trên thị trường thấp hơn giá thành.
Trong khi đó, các ngân hàng có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường hàng hóa như Goldman Sachs và một nhóm các quỹ đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc lại cược rằng giá các khoáng sản sẽ tiếp tục giảm.
Giới ngân hàng và đầu tư thì cho rằng giá hàng hóa có lẽ sẽ cần phải duy trì ở mức thấp trong thời gian dài hơn, nhằm tạo sự điều chỉnh nguồn cung cũng như cân bằng thị trường.
Theo ngân hàng Barclays (Anh), tính đến cuối tháng 8/2015, tổng giá trị danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư vào hàng hóa nguyên liệu giảm từ 259 tỷ USD hồi đầu năm, xuống chỉ còn 242 tỷ USD - mức thấp nhất trong sáu năm trở lại đây.
S&P GSCI total return index - chỉ số biểu thị sự biến động giá hàng hóa và lạm phát - đã giảm 26,3% trong năm nay, năm yếu kém thứ năm liên tiếp của chỉ số này.
Dầu mỏ
Khó có thể tìm được một nhà đầu tư nào có lòng tin vào dầu mỏ tại thời điểm này. Kỳ vọng vào việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu thô tại cuộc họp ngày 4/12 tại Vienna (Áo) vừa qua cũng đã tiêu tan.
Chính yếu tố này đã châm ngòi cho giá dầu thô thế giới lao xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng lần đầu tiên trong gần bảy năm qua.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự trữ dầu thô tại các nền kinh tế phát triển hiện đứng ở mức cao chưa từng có là gần 3 tỷ thùng.
Trong khi đó, trong năm tới, thị trường gần như chắc chắn sẽ phải hấp thụ một lượng dầu mỏ xuất khẩu còn lớn hơn từ Iran, một khi lệnh trừng phạt đối với nước này liên quan đến chương trình làm giàu urani được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, kế hoạch của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thuộc OPEC - luôn hướng tới dài hạn và 2016 có thể là năm mà những kế hoạch này bắt đầu “đơm hoa kết trái”.
Do giá dầu thô trung bình chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2010-2014, ngành dầu khí đá phiến của Mỹ bắt đầu giảm nhịp độ khai thác, còn các công ty dầu mỏ quốc tế cũng tạm gác khoảng 200 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu mỏ trong tương lai.
Giới phân tích cho rằng những động thái này có thể góp phần giúp thị trường dầu mỏ điều chỉnh nguồn cung theo hướng bớt dư thừa trong nửa cuối năm 2016.
Các nhà phân tích tại Citigroup nhận định rằng tổng hòa các yếu tố như, các nước ngoài OPEC cắt giảm sản lượng dầu mỏ và sản lượng dầu khí đá phiến, cùng với những nguy cơ địa chính trị gia tăng và công suất dự phòng giảm, sẽ giúp đẩy giá dầu trong trung hạn đi lên.
Kim loại cơ bản
Có lẽ không có lĩnh vực hàng hóa nào gắn kết hơn với tình hình tăng trưởng và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc như các kim loại cơ bản. Điều này lý giải tại sao hiện có nhiều dự báo khác nhau về triển vọng các kim loại như đồng, niken và kẽm.
Goldman Sachs dự báo giá đồng sẽ giao dịch trong khoảng 4.500 USD/tấn vào cuối năm tới, sau khi chạm mức thấp nhất trong sáu năm trở lại đây là 4.481 USD/tấn hồi tháng 11/2015.
Những lý do khiến kim loại đồng dao động quanh mức thấp, theo Goldman Sachs, là tình hình tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc (nước nhập khẩu tới 45% nguồn cung đồng toàn cầu), nguồn cung dư thừa - hệ quả của tình trạng đầu tư khai thác ồ ạt trước đây - và đồng USD mạnh lên.
Tuy nhiên, Glencore và một số tập đoàn khai mỏ khác vẫn tin rằng nhu cầu về đồng và các kim loại cơ bản khác vẫn lớn và đang gia tăng.
Vàng
Kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 1.902 USD/ounce vào hồi năm 2011, giá vàng đã giảm 45%, và đang hướng tới ngưỡng 1.000 USD/ounce.
Vật cản lớn nhất đối với kim loại quý này có lẽ là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Natixis (Pháp) dự báo giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.000 USD/ounce trong trường hợp Fed nâng lãi suất và chi phí cơ hội của việc giữ vàng gia tăng.
Nhìn chung, nhu cầu vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tương đối mạnh. Nhiều nhà đầu tư đang chờ động thái tiếp tục mua vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương), vốn là một trong những động lực đẩy giá vàng đi lên.
Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC (Anh) tràn đầy niềm tin rằng giá vàng rốt cuộc sẽ hồi phục trong năm 2016, sau khi liên tục rớt xuống các mức thấp nhất trong 5 năm qua trong những tháng gần đây.
Nông sản
Các mặt hàng nông sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị bán tháo trên thị trường. Trong năm 2015, giá lúa mì giảm 22%, giá ngô giảm 8% và giá đậu tương giảm 14%, do thời tiết thuận lợi và biến động tỷ giá trên thị trường ngoại hối.
Một yếu tố được cho là sẽ tạo mối nguy cho mùa vụ là tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, được dự báo sẽ kéo dài hơn và mạnh hơn. Trong số các nông sản, giá cacao dự báo sẽ đi lên trong năm 2016, biến động trái với chiều hướng đi xuống chung của giá nông sản./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế thế giới 2016: Thận trọng với thách thức phía trước
16:16' - 01/01/2016
OECD cho rằng tăng trưởng chung của toàn thế giới chỉ vào khoảng 3,3% năm 2016, từ mức 3,6% trong lần dự báo trước đó.
-
Kinh tế Thế giới
Iran dự toán ngân sách năm 2016 dựa trên giá dầu 35 USD/thùng
10:41' - 28/12/2015
Chính quyền Iran vừa đưa ra mức dự toán ngân sách quốc gia cho tài khóa 2016 (từ 21/3/2016-21/3/2017) dựa trên giá dầu ước tính trung bình ở mức 35 USD/thùng.
-
Kinh tế Thế giới
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 xuống 3,3%
07:03' - 24/12/2015
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng chung của toàn thế giới năm 2016 từ mức 3,6% xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Goldman Sachs, JPMorgan nâng dự báo về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ
08:28'
Ngân hàng Goldman Sachs đã tăng dự báo suy thoái của Mỹ từ 35% lên 45%.
-
Kinh tế Thế giới
EU đề xuất thuế trả đũa 25% đối với hàng hóa Mỹ
08:12'
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra đề xuất áp mức thuế trả đũa 25% lên một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Đức: Xuất khẩu tăng trưởng mong manh giữa tâm bão chiến tranh thương mại
06:30'
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong tháng Hai, sản lượng công nghiệp của Đức tiếp tục giảm mặc dù xuất khẩu tăng, do dự đoán tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Các ngân hàng lớn tăng dự báo suy thoái của nền kinh tế đầu tàu thế giới
21:20' - 07/04/2025
Ngân hàng Goldman Sachs đã tăng dự báo suy thoái của Mỹ từ 35% lên 45%.
-
Kinh tế Thế giới
Anh nới lỏng các quy định về xe điện trước tác động từ thuế quan của Mỹ
18:11' - 07/04/2025
Động thái này được đưa ra sau khi chính phủ thực hiện cuộc tham vấn kéo dài hai tháng với ngành ô tô về mục tiêu xe không phát thải của nước này.
-
Kinh tế Thế giới
Đức: Thủ tướng tương lai kêu gọi phản ứng nhanh chóng trước thuế quan của Mỹ
18:08' - 07/04/2025
Là một quốc gia xuất khẩu lớn, Đức đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, báo hiệu thêm rắc rối cho nền kinh tế Đức vốn đã trì trệ.
-
Kinh tế Thế giới
"Bóng ma" suy thoái rình rập: Mỹ có “gánh” nổi hệ quả chính sách?
13:51' - 07/04/2025
Trong tuần qua, giá trị cổ phiếu chu kỳ toàn cầu kém hơn cổ phiếu phòng thủ toàn cầu khoảng 8 điểm phần trăm - khoảng cách lớn nhất kể từ khi bắt đầu lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
-
Kinh tế Thế giới
Chính sách thuế của Mỹ: Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng sang Mỹ đàm phán
13:49' - 07/04/2025
Thủ tướng Ishiba mô tả việc Tổng thống Trump áp thuế đối với ô tô nhập khẩu, ngành công nghiệp trọng yếu của Nhật Bản, là điều “rất đáng thất vọng”.
-
Kinh tế Thế giới
Chính sách thuế của Mỹ: Thủ tướng Malaysia kêu gọi thiết lập thỏa thuận chung cho ASEAN
13:46' - 07/04/2025
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần cùng nhau thiết lập một thỏa thuận chung để đối phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ.