Kinh tế thế giới 2016: Thận trọng với thách thức phía trước

16:16' - 01/01/2016
BNEWS OECD cho rằng tăng trưởng chung của toàn thế giới chỉ vào khoảng 3,3% năm 2016, từ mức 3,6% trong lần dự báo trước đó.

Năm 2015, nền kinh tế thế giới nhìn chung vẫn chưa bước ra khỏi thời kỳ suy giảm, dẫu rằng đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan.

Trước tiên là giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, tác động tiêu cực tới nước xuất khẩu dầu mỏ lớn.

Bên cạnh cuộc trả đũa qua lại giữa Nga và phương Tây cũng làm nền kinh tế đôi bên chịu thiệt hại không nhỏ thì kinh tế châu Âu, vốn chưa thoát khỏi khó khăn, lại đối mặt với khủng hoảng di cư từ Trung Đông và Bắc Phi với mức độ nghiêm trọng chưa từng có. 

Ngoài ra, một loạt vụ tấn công khủng bố trên thế giới trong năm 2015 đã gióng lên hồi chuông báo động về bất ổn chính trị, an ninh và kinh tế.

Dù vậy, thế giới đón nhận những điểm sáng tích cực như các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khép lại trong tháng 10/2015, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài hơn 5 năm.

          Vô vàn khó khăn  

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 ước tính ở mức yếu kém nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2009 là do sự giảm tốc của Trung Quốc và giá cả hàng hóa thấp.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2015 chỉ tăng khoảng 3,1%, thấp hơn so với dự báo tăng 3,3% đưa ra trước đó.  

Nhà kinh tế trưởng IMF Maurice Obstfeld cho rằng sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ trầm trọng, kinh tế thế giới vẫn chưa thể đạt được nhịp độ tăng trưởng mạnh và đồng bộ.

IMF cho rằng sự biến động mạnh hơn của các thị trường trong tháng 8/2015 và sự giảm giá của đồng NDT đã dẫn đến bất ổn và tâm lý xa lánh các tài sản rủi ro. Ngoài ra, bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới cũng đang kìm hãm đà tăng trưởng.

Ông Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng IMF. Ảnh: Getty Images. 

Triển vọng của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là khá ảm đạm. Các nền kinh tế này sẽ chứng kiến nhịp độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với 5 năm liên tiếp vừa qua, với tăng trưởng 2015 có thể là 4% so với mức 4,6% trong năm 2014.

Ông Obstfeld cho hay hiện nhóm quốc gia này đang đại diện cho hơn 50% GDP toàn cầu và vẫn tạo ra phần lớn đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. 

Các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phục hồi chậm chạp mặc dù nhiều quốc gia vẫn đối mặt với sức ép giảm phát. Kinh tế Mỹ ước tăng trưởng 2,6% năm 2015 và 2,8% trong năm 2016, thấp hơn dự báo tăng 3% đưa ra trước đó.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay năm 2015 trở thành năm thứ tư liên tiếp kinh tế toàn cầu có mức tăng trưởng đáng thất vọng. Theo ước tính sơ bộ của WB, kinh tế thế giới năm 2015 ước tăng trưởng 2,8% (giảm so với mức dự báo tăng 3% đưa ra hồi tháng 1/2015).  

Còn theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/12, nền kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, hướng tới mục tiêu tăng 5,8% trong năm nay và 6% trong năm 2016.

Chuyên gia kinh tế của ADB Shang-jin Wei cho hay, tuy tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu đi xuống song nhìn chung triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn sẽ ổn định, do được hỗ trợ bởi sức tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc và xu hướng mở rộng sản xuất của Ấn Độ và các quốc gia khác. 

          Thách thức phía trước

Trong dự báo mới nhất công bố cuối năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát. Theo đó, OECD cho rằng tăng trưởng chung của toàn thế giới chỉ vào khoảng 3,3% năm 2016, từ mức 3,6% trong lần dự báo trước đó. 

Điểm đáng chú ý là giới phân tích và dư luận báo chí Pháp cho rằng năm 2016 sẽ là năm có sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế trên thế giới với hai xu hướng.

Thứ nhất là xu hướng củng cố sự phục hồi của các nước phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2%, so với mức bình quân chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010-2014.

Thứ hai là sự giảm tốc mạnh ở các nước mới nổi với mức tăng trưởng sẽ chậm lại chỉ còn khoảng 2,4%, so với mức trung bình 5% trong giai đoạn 2010-2014.           

Chuyên gia Ruchir Sharma thuộc Morgan Stanley Investment Management cảnh báo kinh tế thế giới thường có chu kỳ suy thoái mỗi 7-8 năm/lần trong suốt 50 năm qua và nếu tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008 thì thời điểm này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái.  

Chuyên gia Ruchir Sharma (bên phải) thuộc Morgan Stanley Investment Management. Ảnh: Getty Images.

Nhận định trên không phải là thiếu căn cứ khi một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản..., đang chậm lại hoặc có dấu hiệu suy yếu nhất định.

Đặc biệt là sự giảm sút của kinh tế Trung Quốc khiến giới phân tích tỏ ra lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới 2015 và thậm chí là 2016 không mấy sáng sủa. Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết kinh tế nước này trong quý III/2015 tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ 2009. 

Tình hình đáng lo ngại hơn khi nhiều dự báo gần đây của các chuyên gia hàng đầu thế giới đều có chung quan điểm kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ khi Ngân hàng đầu tư lớn Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. 

Một nhận định gần đây của cựu Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers cũng gần giống với đánh giá của các chuyên gia của Morgan Stanley Investment Management rằng trong khi các nền kinh tế phát triển đang ở trạng thái “trì trệ thường kỳ” thì ngay cả các nền kinh tế mới nổi, được kỳ vọng là sẽ kéo kinh tế thế giới đi lên lại đang rất kém, thậm chí là sa sút trầm trọng. 

Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers. Ảnh: Reuters.

Còn Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội quốc gia Vương quốc Anh (NIESR) gần đây dự báo kinh tế thế giới trong năm 2015 và 2016 có thể giảm xuống còn lần lượt 3% và 3,5%.

Điều đáng lo ngại là xu hướng này có thể dẫn tới một vòng luẩn quẩn trên toàn cầu, kinh tế của các nước phát triển có thể ảnh hưởng xấu tới các thị trường mới nổi. 

Vì vậy, các cơ quan quốc tế lớn như WB, IMF, ADB…, gần đây đều rất thận trọng và lại điều chỉnh các số liệu thấp hơn các con số mà các cơ quan này đã đưa ra trước đây cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Các nền kinh tế lớn cần có chuẩn bị các chính sách phù hợp để phòng tránh nguy cơ suy giảm và thậm chí khủng hoảng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục