Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Ấn Độ tăng, giá đậu tương Mỹ giảm

12:57' - 23/08/2020
BNEWS Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này khi tình trạng lũ lụt và số ca mắc COVID-19 gia tăng tác động tới nguồn cung và hoạt động logistic.

 

Theo Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực kinh doanh gạo của Olam India, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ rất cao song hoạt động xuất khẩu gạo của nước này đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng lũ lụt và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại bang Andhra Pradesh.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ - một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - tăng trong tuần này khi tình trạng lũ lụt và số ca mắc COVID-19 gia tăng tác động tới nguồn cung và hoạt động logistic.

Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này tăng lên 383-389 USD/tấn từ mức 382-387 USD/tấn của tuần trước đó, với việc các nhà xuất khẩu đang phải nỗ lực hoàn thành các đơn hàng do số lượng container và nhân công hạn chế tại cảng xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ là Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh.

Với tổng cộng 2,84 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Ấn Độ, quốc gia này là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19 tại châu Á và chịu ảnh hưởng nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Bangladesh Abdur Razzaque cho biết, tình trạng lũ lụt tại Bangladesh – một trong những nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới – đã gây thiệt hại cho vụ thu hoạch lúa gạo trị giá 363,34 tỷ taka (4,29 tỷ USD) trên khoảng 100.000 ha diện tích trồng lúa.

Bangladesh thường phụ thuộc vào nguồn hàng hóa nhập khẩu để ứng phó tình trạng thiếu cung do nạn hạn hán và lũ lụt trong nước.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 480-490 USD/tấn trong ngày 20/8, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay nguồn cung gạo hiện không dồi dào do các thương nhân địa phương tăng cường mua gạo trong thời gian gần đây trong khi vụ thu hoạch Hè Thu đã kết thúc.

Ngoài ra, diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Việt Nam vào cuối tháng 7/2020 cũng làm tăng hoạt động tích trữ gạo trong nước.

Các thương nhân dự đoán giá gạo vẫn sẽ đi lên trong một vài tháng tới trước khi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 10/2020.

Những quan ngại về nguồn cung cũng đẩy giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 480-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 2/7, từ mức 465-500 USD/tấn hồi tuần trước.

Theo một thương nhân ở Bangkok, dường như là sản lượng thu hoạch lúa gạo ở các địa phương của Thái Lan sẽ không quá cao. Trong khi đó, nhu cầu đối với gạo Thái Lan vẫn ổn định trong tuần này khi giá gạo vẫn cao.

* Thị trường nông sản Mỹ:

Kết thúc phiên giao dịch 21/8, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ diễn biến trái chiều, với giá ngô và lúa mỳ đều tăng trong khi giá đậu tương giảm.

Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 1,25 xu Mỹ (tương đương 0,37%) lên 3,405 USD/bushel khi đóng cửa. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức tăng 6,5 xu Mỹ (1,23%) lên 5,35 USD/bushel.

Ở chiều ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2020 giảm 0,5 xu Mỹ (0,06%) xuống còn 9,0475 USD/bushel khi kết thúc phiên giao dịch (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán tổng cộng 768.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và một số khách hàng khác. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Mỹ cũng bán 405.000 tấn ngô cho Trung Quốc.

Trong khi đó, theo công ty tư vấn AgResource, có trụ sở tại Chicago (Mỹ), không có số liệu về số lượng lúa mỳ đã bán và giá nông sản này đã rời khỏi mức cao ghi nhận trước đó.

Cơn bão nhiệt đới Laura dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực vùng Vịnh của Mỹ trong ngày 26/8 và có thể trở thành một cơn bão lớn. Tình trạng mưa lớn dự kiến diễn ra trên diện rộng ở Đông Texas, Arkansas, Tennessee, Kentucky, Illinois và Indiana.

Trong khi đó, theo AgResource, việc vụ thu hoạch ngô sắp diễn ra ở Trung Quốc có thể tiếp tục khiến giá nông sản này giảm trong thời gian tới.

* Thị trường cà phê Đông Nam Á:

Hoạt động mua bán trên thị trường cà phê Việt Nam khá “im ắng” trong tuần này do lượng cà phê trữ kho thấp, trong khi tiền cược trong các hợp đồng mua bán cà phê ở Indonesia giảm bớt khi diễn biến tích cực của vụ thu hoạch làm tăng nguồn cung cà phê.

Các nông dân ở Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, trong tuần này chào bán cà phê COFVN-DAK ở mức giá 33.300-33.500 đồng (1,44-1,45 USD)/kg, ít biến động so với mức 33.000-33.500 đồng/kg trong tuần qua.

Theo một thương nhân ở tỉnh Đắc Lắc, lượng cà phê trữ kho thấp đã ảnh hưởng tới các giao dịch trên thị trường cà phê Việt Nam và hầu như không có thỏa thuận được “chốt” trong vài tuần qua.

Trong khi đó, lượng mưa ổn định cung cấp đủ nước cho vụ mùa sắp tới, với đợt thu hoạch dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 11/2020 hoặc đầu tháng 12/2020.

Một thương nhân khác ở Tây Nguyên cho rằng sản lượng cà phê trong vụ thu hoạch tới sẽ thấp hơn 3% so với vụ thu hoạch trước đó, và đạt khoảng 28 triệu bao loại 60 kg.

Ngày 19/8, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2020 giảm 12 USD (tương đương 1%) xuống còn 1.384 USD/tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục