Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê, tiêu tăng mạnh

21:08' - 15/11/2020
BNEWS Tuần qua (ngày 9 đến 14/11), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ từ 100-300 đồng/kg so với tuần trước. Giá cà phê, tiêu tiếp tục tăng mạnh do mưa bão ảnh hưởng nguồn cung.
Tuần qua (ngày 9 đến 14/11), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ từ 100-300 đồng/kg so với tuần trước. Giá cà phê, tiêu tiếp tục tăng mạnh do mưa bão ảnh hưởng đến nguồn cung.

* Thị trường nông sản trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.200 - 6.400 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg so với tuần trước; các loại lúa chất lượng cao tăng từ 200-300 đồng/kg, cụ thể: Jasmine từ 6.400 - 6.600 đồng/kg, lúa OM từ 6.200 - 6.700 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo tại An Giang duy trì ổn định. Giá gạo thường ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Nhật 23.000 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg, nếp từ 13.000 -14.000 đồng/kg…

Tại nhiều địa phương, ngành nông nghiệp hướng phát triển mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, lúa chất lượng cao. Điển hình Đồng Tháp hiện có hơn 60% diện tích lúa chất lượng cao chủ lực đưa vào sản xuất như: lúa Jasmine 85, Nàng Hoa 9. OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8, DTM 126…

Việc chuyển đổi sản xuất giống lúa chất lượng cao tăng mạnh những năm gần đây. Một số giống chất lượng cao chủ lực được sản xuất với diện tích lớn và ổn định như: Đài thơm 8, OM 4900, Nàng Hoa 9, OM 5451, OM 6976.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2020 đạt 5,29 triệu tấn với giá trị 2,61 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm gần 42% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 36,8%; gạo nếp chiếm 17%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Malaysia và Cuba.

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, tuần qua giá cà phê tiếp tục hồi phục với giá tăng khá. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 14/11 dao động trong khung 33.700 - 34.200 đồng/kg, tăng khoảng 800 - 1.000  đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá cà phê tăng do lo ngại khả năng Brazil sẽ phải đối diện với một mùa vụ năm 2021 sụt giảm hơn dự đoán cùng thời tiết La Nina tác động tiêu cực lên các nước sản xuất cà phê quanh vành đai Thái Bình Dương vì mưa quá nhiều.

Việt Nam tiếp tục đón cơn bão số 13 đi vào vùng Duyên hải miền Trung gây mưa trên diện rộng làm cản trở việc thu hoạch cà phê vụ mới. Giá cà phê trong nước thời gian tới được nhận định tiếp tục xu hướng tăng giá bởi diễn biến phức tạp của thời tiết gây thu hẹp nguồn cung.

Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.539 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100 – 120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3/2021 tại London.

Giá tiêu ngày 14/11 trong khoảng 55.000 – 58.000 đồng/kg, cao nhất vẫn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 56.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 55.000 đồng/kg.

Giá hạt tiêu đen trong nước tăng mạnh so với cuối tháng 10 do mưa bão ảnh hưởng đến một số vùng trồng hạt tiêu ở tỉnh Tây Nguyên.

* Thị trường nông sản thế giới

Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này nhờ các đơn hàng mới của Philippines và Trung Quốc khi mùa Đông sắp bắt đầu và lượng mưa ít làm dấy lên sự quan ngại về nguồn cung. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần này đã tăng lên 495-500 USD/tấn, từ mức 493-497 USD/tấn hồi tuần trước.

Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, các khách hàng ở Philippines và Trung Quốc đã quay trở lại để đặt các đơn hàng mới. Các nguồn cung gạo nội địa hiện ở mức thấp và vụ thu hoạch hiện nay sẽ kết thúc trong tháng 11/2020.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 10/2020 đã giảm 5,8% so với tháng 9/2020 xuống còn 362.930 tấn. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 5,35 triệu tấn.

Trong khi đó, giá 5% tấm của Thái Lan trong tuần này đã tăng lên 470-485 USD/tấn, từ 455-458 USD/tấn trong tuần qua. Ngày 11/11, đồng baht của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua, khiến giá gạo xuất khẩu của nước này đắt hơn.

Theo các thương nhân, Thái Lan đã bước vào vụ Đông từ cuối tháng 10/2020 với lượng mưa sụt giảm gây lo ngại về sản lượng lúa gạo thu hoạch sẽ thấp hơn.

Còn giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - cũng là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - vẫn ở mức 366-370 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2020.

Về thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ, trên sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ trong phiên 13/11, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đều tăng, dẫn đầu là giá lúa mỳ.

Giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 2,25 xu Mỹ (0,55%) lên 4,105 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 tăng 5,25 xu Mỹ (0,89%) lên 5,935 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 1/2021 tăng 2,5 xu Mỹ (0,22%) lên 11,48 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn CBOT đều tăng khi các nhà quản lý quỹ tăng cường mua vào, trong đó giá lúa mỳ giao kỳ hạn tăng mạnh nhất. Báo cáo về doanh số xuất khẩu nông sản Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 5/11 cho thấy Mỹ đã bán 11 triệu bushel lúa mỳ, 38,5 triệu bushel ngô và 54 triệu bushel đậu tương.

Trong khi đó, lượng mưa thấp hơn mức trung bình có xu hướng kéo dài trên toàn Argentina và miền Nam Brazil. Theo Công ty nghiên cứu AgResource, trong khi nhu cầu vẫn còn mạnh mẽ đối với đậu tương và ngô của Mỹ, giá hai loại nông sản này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Về cà phê, giá cà phê arabica giao tháng 12/2020 giảm 0,85 xu Mỹ (0,8%) xuống còn 1,0925 USD/lb (1b=0,454kg). Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 1/2021 giảm 3 USD (0,2%) xuống còn 1.410 USD/tấn, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2020.

Nguồn cung cà phê mới từ vụ thu hoạch cà phê robusta 2020/21 của Việt Nam vẫn chưa tăng do lượng mưa lớn trong tháng vừa qua đã làm gián đoạn hoạt động thu hoạch.

Còn giá đường thô giao tháng 3/2020 tăng 0,04 xu Mỹ (0,3%) lên 14,96 xu Mỹ/lb, lại hướng tới mức cao nhất trong 8 tháng qua đã đạt được hồi tuần trước là 15,23 xu Mỹ/1b.

Ấn Độ vẫn chưa công bố chính sách xuất khẩu đường đối với niên vụ này và hiện có quan ngại mức trợ giá xuất khẩu có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu đường nếu thấp hơn so với mức của niên vụ vừa qua.

Theo các thương nhân, giá đường có xu hướng đi lên trong ngắn hạn với việc xuất khẩu đường của Thái Lan giảm mạnh, Ấn Độ đang tạm dừng xuất khẩu đường và các nền kinh tế châu Á đang phần nào kiểm soát được dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục