Thị trường Rằm Tháng Giêng: Thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định

11:29' - 04/02/2023
BNEWS Sáng 4/2, thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hoa tươi phục vụ cho dịp cúng Rằm tháng Giêng (ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão) rất sôi động và phong phú.

Sáng 4/2, thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hoa tươi phục vụ cho dịp cúng Rằm tháng Giêng (ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão) rất sôi động và phong phú - năm nay Rằm tháng Giêng vào ngày chủ Nhật (5/2).

 

Theo phong tục xưa có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", do vậy ngày lễ này rất được chú trọng, nhiều gia đình còn cúng sớm từ ngày hôm nay (4/2 - ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão). Đây cũng là dịp để con cháu ở xa không về kịp vào dịp Tết có thể về sum vầy quây quần ăn tết muộn bên gia đình vào lúc này.

Nhìn chung, thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hoa tươi trong dịp này sức mua tăng mạnh nhưng giá cả đã ổn định trở lại như ngày thường, nhiều mặt hàng  giảm nhiều so với những ngày cận Tết, nhất là không để xảy ra tình trạng tăng giá “chặt chém” khách hàng.

Qua khảo sát tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối, như Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai), chợ Xuân La (Tây Hồ)…, hàng hóa được các tiểu thương bày bán khá đa dạng, phong phú, dồi dào, giá cả đều giảm so với mấy hôm trước; các mặt hàng tươi sống giá khá ổn định.

Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm cho biết, mặc dù nhu cầu mua gà cúng Rằm tháng Giêng tăng cao nhưng giá bán đã giảm nhẹ so với ngày 30 Tết, hiện ở mức 120.000 - 130.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng thịt lợn, như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, thịt bò diềm thăn, thăn, bắp… có giá từ 240.000 - 330.000 đồng/kg.

Cụ thể giá rau xanh như: su hào từ 7.000-8.000 đồng/củ, súp lơ từ 8.000-10.000 đồng/cây, cà rốt từ 2.000-3.000 đồng/củ, rau muống từ 8.000-10.000 đồng/mớ, dưa chuột từ 11.000-13.000 đồng/kg, rau cải cúc từ 4.000-5.000 đồng/mớ, cà chua, bí xanh có giá từ 10.000-12.000 đồng/kg....

Thực tế cho thấy, các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống đều giữ giá bán như ngày thường, không xảy ra tình trạng tăng giá “chặt chém” khách hàng.

Chị Vũ Thị Hằng, ở phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) cho biết, các loại hải sản giá đã hạ nhiệt so với thời điểm trước và ngay sau Tết. Cụ thể với mặt hàng tôm tươi, trước Tết có thời điểm lên tới 400.000 -500.000 đồng/kg, thì nay giá dao động từ 180.000 đồng -350.000 đồng/kg tùy loại. Các loại cá như cá trắm, cá chép… giá ổn định, không có gì đột biến, từ 50.000 đồng -80.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mới ổn định giá mà mặt hàng rau, hoa quả cũng trong tình trạng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Nụ, chủ cửa hàng rau ở chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết, nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Rằm tháng Giêng năm nay đa dạng, giá giảm nhiều so với thời điểm trước Tết, sức mua của người dân cũng không có gì đột biến so với năm trước. Hiện thanh long có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg; bưởi 25.000 - 30.000 đồng/quả; cam Canh, quýt Sài Gòn 50.000 - 60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 55.000 - 60.000 đồng/kg; roi đỏ ở mức 60.000 đồng/kg; táo 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Chị Phạm Thị Thường, chủ sạp rau xanh tại chợ Xuân La (Hồ Tây) cho biết, hôm nay rau xanh rẻ nhiều so với mấy hôm giáp Tết, như súp lơ trước tết 15.000 đồng nay chỉ còn 7.000 đồng/cây, su hào 10.000 đồng/củ nay chỉ còn 7000 đồng/củ, cà rốt trước 4000 đồng nay còn 2000 đồng/củ… Lý giải về giá rau xanh giảm nhiều, chị Thường cho rằng, ra Tết thời tiết thuận lợi, rau xanh phát triển tốt, nhất là rau ăn lá được mùa nên giá thành các loại rau xanh giảm.

Chị Nguyễn Thị Oanh, ở phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, hôm nay 14 tháng Giêng lại rơi vào ngày nghỉ nên gia đình chị cũng làm mâm cơm cúng Rằm sớm để lễ các cụ; đồng thời để con cháu những ngày Tết không về kịp nay về quây quần chia sẻ với nhau. Hôm nay đi chợ chị thấy giá cả thực phẩm, rau xanh, hoa quả rất dồi dào, phong phú, giá cả đều giảm mạnh so với hôm 30 Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, là hoa tươi ngày hôm nay đều giảm so với hôm 30 Tết. Cụ thể, giá hoa hồng từ 25.000 đồng/bông xuống còn 8.000-10.000 đồng/bông, hoa ly từ 60.000 đồng/bông xuống còn 20.000 đồng/bông, hoa cúc từ 10.000 đồng/bông xuống 7.000-8.000 đồng/bông, hoa lay ơn từ 17.000 đồng/bông xuống 12.000 đồng/bông, hoa violet từ 60.000 đồng/bó xuống 20.000 đồng/bó, hoa thược dược từ 70.000 đồng/bó xuống 30.000 đồng/bó…

Riêng năm nay, cau được mùa nên giá cả cũng không quá đắt đỏ và dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/quả tùy loại. Những cành đào nhỏ cũng được nhiều bà con lựa chọn để cắm ban thờ thắp hương dịp Tết Nguyên đán, mức giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/cành, tùy loại.

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây do xu hướng người dân chuyển sang thích ăn chay nhiều hơn, ưa chuộng các sản phẩm chay có nguồn gốc từ nông sản hữu cơ. Với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới, đồng thời ăn chay đúng cách cũng giúp con người mạnh khỏe hơn.

Vì vậy, những ngày này mặt hàng thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ ngày rằm tháng Giêng bắt đầu sôi động, sản phẩm đồ ăn chay cũng rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn, dễ ăn không khác gì các sản phẩm mặn nên sức tiêu thụ tăng mạnh, nhất là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng chuyên bán đồ ăn chay ở phố 8/3, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đồ chay nhưng cũng rất đa dạng, phong phú để cho các gia đình lựa chọn khi làm mâm cơm chay cúng vào ngày rằm tháng Giêng này.

Chị Lê Thu Thảo, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết, từ lâu nay, gia đình chị đã chọn làm cơm chay để cúng lễ ông bà tổ tiên vào những ngày lễ trọng đại trong năm.

Các sản phẩm để làm mâm cơm chay cũng rất đa dạng phong phú và nhiều cửa hàng mở bán nữa nên rất dễ dàng cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua thực phẩm về làm hoặc có thể đặt sẵn mâm cơm chay. Tuy nhiên, tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi gia đình mà chọn cửa hàng để mua, giá cả một mâm cỗ chay thường dao động từ 750.000 - 1.100.000 đồng/mâm.

Theo bác Nguyễn Thị Nghĩa, người hay lên chùa Vạn Hạnh ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để giúp nấu cỗ chay cho biết, để nấu một mâm cỗ chay cũng không quá khó, người tiêu dùng mua giò chả, bánh chưng chay, gà chay thì chỉ cần xào thêm rau, nấu thêm canh nữa là có thể dễ dàng hoàn thành mâm cỗ chay. Điều quan trọng là người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm, bởi vì nguyên liệu ngon quyết định thành công của mâm cỗ chay.

Qua khảo sát một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Winmart, Big C... cho thấy những siêu này đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khá rẻ.

Cụ thể nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; cá, tôm chay dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/kg, bánh chưng giá từ 30.000- 40.000 đồng/chiếc, chả cốm 30.000 đồng/cái, giò lụa, giò nấm, giò thủ, chả quế có giá từ 75.000 - 150.000 đồng/kg, chả tôm chay 55.000 đồng/hộp, khoai lang kén, khoai lệ phố 40.000 - 45.000 đồng/hộp, canh ốc chuối đậu 45.000 đồng/hộp, canh măng mọc 50.000 đồng/hộp, nộm rong sụn 40.000 đồng/gói, mọc nấm, bò xào xả ớt 40.000 đồng/hộp, chả mực, cá kho riềng, cá điêu hồng, cá thu cắt lát.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục