Thị trường tài chính biến động nhẹ, chờ dữ liệu quan trọng của Mỹ

17:06' - 28/08/2024
BNEWS Hiện sự chú ý đang tập trung vào một loạt chỉ dấu kinh tế Mỹ, những số liệu này sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng về tình trạng nền kinh tế hàng đầu thế giới.
* Đồng USD tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng

Giá vàng châu Á đã giảm trong phiên ngày 28/8 do đồng USD tăng giá, trong khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này để tìm kiếm thêm manh mối về quy mô lần cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 tới.

Khoảng 14 giờ 49 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 2.509,75 USD/ounce. Kim loại quý này đã chạm mức cao kỷ lục 2.531,60 USD/ounce hôm 20/8.

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 2.543,20 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD tăng 0,2%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu của Tastylive, ông Ilya Spivak cho biết, nhìn chung vàng vẫn đang tăng giá, và thị trường đang mong đợi sự khởi đầu của chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường đang đoán định khoảng 66% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9/2024 và 34% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản. Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã ủng hộ việc bắt đầu cắt giảm lãi suất sắp tới và bày tỏ sự tự tin rằng lạm phát đang trong tầm với mục tiêu 2% của ngân hàng này.

Nhà phân tích thị trường cấp cao phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc OANDA, ông Kelvin Wong, nhận định thị trường dường như chờ đợi chất xúc tác để có thể bứt phá lên mức 2.532 USD/ounce.

 

Các nhà giao dịch hiện đang tập trung vào số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dự kiến công bố ngày 30/8.

Một báo cáo công bố ngày 27/8 cho hay niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong tháng 8/2024, tuy nhiên người dân nước này trở nên thận trọng hơn về thị trường lao động. Số liệu cho thấy nhập khẩu vàng ròng của Trung Quốc thông qua Hong Kong (Trung Quốc) trong tháng 7/2024 đã tăng khoảng 17% so với tháng trước, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 3/2024.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,7% xuống 29,48 USD/ounce, giá bạch kim giảm 1% xuống 943,70 USD/ounce, còn giá palladium giảm gần 1% xuống 960,25 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Giá dầu châu Á biến động nhẹ

Giá dầu châu Á biến động nhẹ trong phiên ngày 28/8 sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, giữa những lo ngại dai dẳng về khả năng mất nguồn cung từ Trung Đông và Bắc Phi, cũng như lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Khoảng 13 giờ 53 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển bắc tăng 8 xu Mỹ lên 79,63 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 7 xu lên 75,60 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm hơn 2% trong phiên 27/8, chấm dứt chuỗi tăng ba ngày liên tiếp hơn 7%, khi lo ngại về lợi nhuận thấp của các nhà máy lọc dầu tác động tiêu cực đến kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu giữa lúc số liệu cho thấy mức tăng tiêu thụ toàn cầu đã thấp hơn dự báo.

Mặc dù dự trữ dầu và nhiên liệu của Mỹ giảm trong tuần trước đã hỗ trợ giá dầu, nhưng khả năng mất sản lượng dầu của Libya và khả năng xung đột Israel-Gaza lan rộng vẫn là những rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ.

Một số mỏ dầu tại Libya đã ngừng sản xuất khi các vụ đóng cửa lan rộng, do những tranh chấp phe phái về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu dầu mỏ. Tình hình này đã đặt khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày vào tình trạng nguy hiểm.

Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ (API) ngày 27/8 cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm 3,407 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/8. Dự trữ xăng giảm 1,863 triệu thùng và dự trữ dầu diesel giảm 1,405 triệu thùng.

Vào cuối ngày 28/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu chính thức về dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ.

* Các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch thận trọng

Các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch thận trọng trong phiên ngày 28/8 trước lúc công bố số liệu quan trọng của Mỹ và báo cáo lợi nhuận của “gã khổng lồ” công nghệ Nvidia.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2% lên 38.371,76 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1% xuống 17.692,45 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 2.837,43 điểm.

Chứng khoán Wellington, Đài Bắc, Mumbai và Jakarta tăng điểm, trong khi chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore và Manila giảm.

Mặc dù việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng tới đã gần như chắc chắn, nhưng các nhà giao dịch cũng đang háo hức chờ đợi số liệu về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp quan trọng vào tuần tới, được coi là yếu tố chính để xác định quy mô cắt giảm lãi suất của Fed.

Ngày 27/8, Conference Board công bố khảo sát cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8/2024 đã tăng vượt dự kiến và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 2/2024.

Hiện sự chú ý đang tập trung vào một loạt chỉ dấu kinh tế Mỹ, trong đó có tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đơn xin trợ cấp thất nghiệp và thu nhập cá nhân. Những số liệu này sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng về tình trạng nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, thị trường cũng mong chờ báo cáo kết quả kinh doanh từ “gã khổng lồ” công nghệ Nvidia, dự kiến sẽ được công bố sau khi thị trường Mỹ đóng cửa. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng khoảng 160% trong năm nay và khoảng 1.000% so với mức thấp nhất ghi nhận hồi tháng 10/2022, trong bối cảnh toàn cầu đang gia nhập làn sóng AI. Lợi nhuận của Nvidia đã tăng vọt nhờ nhu cầu đối với các chip GPU mạnh mẽ.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,88 điểm (0,07%) lên 1.282,44 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,68 điểm (0,29%) xuống 238,23 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục