Thị trường việc làm ảm đạm, kinh tế Brazil có thể suy thoái nhẹ

10:09' - 30/07/2016
BNEWS Thị trường lao động Brazil đã mất hơn 530.000 việc làm trong nửa đầu năm 2016, đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi Cơ quan đăng ký lao động nước này tiến hành thống kê vào năm 2002.
Theo số liệu được cơ quan trên công bố ngày 28/7, chỉ riêng trong tháng 6, thị trường đã mất 91.000 việc làm và là tháng 15 liên tiếp việc làm bị sụt giảm. Từ tháng 6/2015 đến 6/2016, thị trường lao động Brazil đã mất 1,765 triệu việc làm. Thị trường việc làm bị sụt giảm liên tục được cho là liên quan đến tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng của Brazil, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức âm 3,8% và dự kiến năm nay kinh tế tiếp tục suy giảm 3,1%. 

Theo thống kê, lĩnh vực thương mại đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mất 254.000 việc làm. Lĩnh vực chế tạo cũng đã mất 140.000 việc làm và tương tự như vậy số việc làm bị mất trong các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng lần lượt là 124.000 và 114.000. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp lại đang tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất với 90.000 vị trí, theo sau là ngành quản lý công với 18.000 vị trí. 

Cùng ngày, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố báo cáo cho biết dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil trong năm 2016 là âm 3,3%, vẫn trong tình trạng suy thoái nhẹ. 

Báo cáo dự báo nền kinh tế Brazil tăng trưởng 0,7% trong năm 2017 và 2% trong năm kế tiếp. Theo Fitch, sự ổn định của giá cả hàng hóa sẽ giúp cải thiện các nền kinh tế mới nổi trong đó có Brazil. Nền kinh tế Brazil được dự báo sẽ ổn định trước khi năm 2016 kết thúc, trong đó mức tăng xuất khẩu sẽ bù đắp cho nhu cầu trong nước thấp. Năm 2015, Fitch đã hạ mức tín nhiệm của Brazil khiến nước này mất sự cạnh tranh trong đầu tư. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's và Standard and Poor's cũng hạ giá trị cổ phiếu của Brazil xuống mức thấp nhất. 

Theo Fitch, 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay và 3% vào năm 2017. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo sự tác động của việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục