Thị trường việc làm - "cánh cửa hẹp" với sinh viên năm cuối của Pháp

10:02' - 28/05/2020
BNEWS Đối với gần 700.000 sinh viên năm cuối các trường đại học tại Pháp, việc bước vào thị trường việc làm đang trở nên bấp bênh do phải gánh chịu hậu quả của suy thoái kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.

Đối với gần 700.000 sinh viên năm cuối các trường đại học tại Pháp, việc bước vào thị trường việc làm hiện nay đang trở nên bấp bênh do phải gánh chịu hậu quả của suy thoái kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.
Đại dịch đã hoành hành trong gần ba tháng tại Pháp và có khả năng biến thành một cuộc khủng hoảng việc làm trong tương lai. Những số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) tỏ ra khá đáng lo ngại: trong quý đầu tiên của năm 2020, chỉ với hai tuần phong tỏa, khoảng 453.800 người lao động Pháp đã mất việc. Các thông báo tuyển dụng đã giảm đến 64,9% trong tháng Tư. Và đây chỉ là sự khởi đầu.
Chính phủ Pháp nhanh chóng nhận ra rằng những sinh viên tốt nghiệp năm 2020 có thể trở thành một "thế hệ hy sinh" trên thị trường việc làm. Theo Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire, nhiều thanh niên lo lắng trước một cuộc sống không có triển vọng.

Ông Le Maire nói: “Chúng tôi phải đem tương lai đến cho những sinh viên này, những người sẽ đứng trước một thị trường việc làm đóng kín vào tháng Chín tới. Bởi vì một quốc gia không mang lại hy vọng là một quốc gia chết".
Quan điểm này được Bộ trưởng Lao động Muriel Pénicaud chia sẻ. Theo bà, không thể để một thế hệ trẻ gánh khoản nợ trên vai mà không có tương lai về việc làm và đào tạo. Các bộ trưởng khẳng định rằng một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu luôn là thế hệ trẻ.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến nhiều công ty từ bỏ tuyển dụng ngắn hạn. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 4/2020, Hiệp hội việc làm cấp cao đã ghi nhận các vị trí tuyển dụng đối với những lao động trẻ có ít hơn một năm kinh nghiệm sụt giảm tới 65%.
Các điều kiện để tham gia vào thị trường lao động sẽ nhanh chóng trở nên khắt khe hơn. Nhà tuyển dụng sẽ ưa thích ký kết các hợp đồng có thời hạn hoặc tạm thời hơn là các hợp đồng không xác định thời hạn. Bên cạnh đó, tiền lương cũng sẽ giảm hơn so với trước đây.
Thậm chí, ông Antoine Dulin, Chủ tịch Ủy ban Thanh niên hội nhập tại thành phố Lyon, còn dự đoán vì thiếu nguồn cung, những người có bằng thạc sỹ sẽ buộc phải hài lòng với những công việc đòi hỏi ít kỹ năng và trình độ hơn. Điều này đã từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhiều giải pháp được đề ra nhằm tránh việc sinh viên vừa tốt nghiệp phải đối diện với thị trường việc làm đóng kín. Để khuyến khích các công ty tuyển dụng lao động trẻ, Chính phủ Pháp đang xem xét khả năng miễn giảm khoản đóng góp xã hội của chủ lao động.
Nhưng theo các chuyên gia, nếu cho phép việc miễn giảm trên đối với các hợp đồng có thời hạn, nguy cơ là chủ doanh nghiệp có thể liên tục ký kết các hợp đồng ngắn hạn, làm hạn chế sự phát triển của thị trường việc làm. Do đó, cần phải có cam kết đối trọng từ phía doanh nghiệp.
Tình hình thực tế hiện nay rất cấp bách. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 – 3/2020, số người tìm việc dưới 25 tuổi đã tăng hơn 8%, một lần nữa đạt ngưỡng 500.000 đăng ký tại các trung tâm giới thiệu việc làm kể từ năm 2016.

Nguyên do là nhiều hợp đồng lao động tạm thời và có thời hạn đã bị thanh lý trong hai tuần đầu tiên của thời gian phong tỏa toàn quốc gia. Thông thường, những hợp đồng này là bước đầu tiên trước khi lao động chính thức gia nhập vào đội ngũ nhân viên của một doanh nghiệp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục