Thị trường việc làm "thời 4.0"

11:04' - 05/02/2019
BNEWS CMCN 4.0 với nền tảng là công nghệ và kỹ thuật sẽ tác động rất trực tiếp đến thị trường lao động nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang có tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm. Với những thành tựu về khoa học công nghệ hiện đại, có một số việc làm sẽ mất đi nhưng mặt khác lại tạo ra nhiều ngành nghề mới, đòi hỏi người lao động phải có sự thích ứng cao để tránh bị đào thải.

Để hiểu rõ hơn về những tác động của cuộc CMCN 4.0 đến thị trường lao động, việc làm cũng như những bước chuẩn bị của ngành lao động Việt Nam trước yêu cầu mới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xoay quanh vấn đề này.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Xin ông cho biết tác động của CMCN 4.0 tới thị trường lao động hiện nay và lao động thuộc ngành nghề hay lĩnh vực nào sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp này?

Ông Lê Quang Trung: CMCN 4.0 với nền tảng là công nghệ và kỹ thuật sẽ tác động rất trực tiếp đến thị trường lao động nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng. Nó làm thay đổi cơ cấu lao động, bản chất và chất lượng của việc làm. Việc làm thời 4.0 sẽ từ bỏ hoặc hạn chế sử dụng, thâm dụng lao động mà chuyển sang thâm dụng về mặt trí tuệ, tri thức, khoa học, sáng tạo...

Theo nghiên cứu trong 10 năm tới sẽ có tới 70% vị trí công việc bị ảnh hưởng bởi CMCN 4.0; trong đó có nhiều vị trí thâm dụng lao động, Đây là những ngành, nghề, lĩnh vực sẽ bị mất việc làm hoặc giảm thiểu việc làm. Có những ngành nghề sẽ phục vụ cho sự phát triển của công nghệ, số, kỹ thuật, robot tăng lên. Do đó, có những vị trí, những ngành mất đi nhưng cũng có những vị trí, ngành xuất hiện mới phù hợp hơn với CMCN 4.0.

Phóng viên: Trước thực tế đó, ông nhận định thế nào về khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực trong nước trước yêu cầu của CMCN 4.0 và Việt Nam cần chuẩn bị những gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng này?

Ông Lê Quang Trung: Bước vào CMCN 4.0 có những thách thức đặt ra với Việt Nam. Đó là trình độ khoa học kỹ thuật, kỹ năng làm việc, khả năng tiếp cận công nghệ của người lao động còn rất hạn chế nên cần phải đánh giá, phân tích rõ các ngành, lĩnh vực gặp khó trong quá trình thực hiện CMCN 4.0.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực thời 4.0, chúng ta cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt chất lượng đào tạo, hướng vào các ngành lĩnh vực của thị trường lao động đáp ứng thời kỳ mới. Thứ hai, tiếp cận nâng cao khả năng kỹ năng của người lao động, đặc biệt các kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng mềm, nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm cho công việc. Thứ ba, củng cố, phát triển các hệ thống đào tạo để đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực trong tương lai.

Vì vậy, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải gắn kết với nhau và thực hiện 3 cùng: cùng tuyển sinh - cùng đào tạo - cùng giải quyết việc làm sau đào tạo để tận dụng được cơ sở vật chất, giáo viên cũng như hệ thống kỹ thuật thời 4.0.

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống các trường đào tạo trong nước cần có sự gắn kết với doanh nghiệp như thế nào để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu trên, thưa ông ?

Ông Lê Quang Trung: Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ trong từng lĩnh vực, ngành nghề để có thể tuyển sinh ngành nghề mới hoặc đào tạo nâng cao trình độ cho người dang làm việc tại doanh nghiệp; gắn bó trong quá trình đào tạo từ xây dựng giáo trình, giảng viên, thực tập, phối hợp tận dụng lẫn nhau.

Sau tốt nghiệp, doanh nghiệp tiếp nhận người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp để cùng giải quyết vấn đề việc làm sau đào tạo. Trong quá trình làm việc, doanh nghiệp cũng cần liên tục cùng cơ sở đào tạo làm sao để tránh cho người lao động hoặc không đáp ứng được, hoặc không được nâng cao trình độ để đảm đương công việc mới.

Phóng viên: Còn về phía doanh nghiệp và người lao động cần chuẩn bị những gì để đáp ứng được yêu cầu mới, thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Trước tiên, người lao động phải nhận thức rõ cuộc CMCN 4.0 tác động đến họ thế nào. Người lao động phải chủ động, tận dụng được cơ hội đào tạo mà chính sách hoặc bản thân đang có, như chính sách hỗ trợ học nghề của doanh nghiệp.

Người lao động cần nhận biết khả năng của mình đến đâu, trình độ thế nào để tự nâng cao tay nghề, có định hướng phấn đấu, đào tạo, tránh rơi vào vòng luẩn quẩn trình độ thấp - lao động phổ thông – không được đào tạo - công việc giản đơn - thu nhập thấp - đời sống khó khăn - dễ bị mất việc thời 4.0.

Lao động là tài sản quý của doanh nghiệp nên quan tâm đến người lao động là quan tâm đến yếu tố đầu vào. Doanh nghiệp cần đánh giá đúng mức nhu cầu lao động, phân loại lao động để có lộ trình đào tạo. Từ đó tổ chức, phối hợp để đào tạo cho người lao động ngay tại doanh nghiệp hoặc tại các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo là liên tục chứ không phải chỉ một lần duy nhất.

Ngành dệt may sẽ được áp dụng công nghệ tự động hóa. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên: Ngành lao động có chuẩn bị thế nào để thích ứng những thay đổi về việc làm thời 4.0, thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Đối với ngành lao động, thương binh và xã hội, trong bối cảnh CMCN 4.0, chúng tôi triển khai đồng bộ các hoạt động: Thứ nhất, nghiên cứu dự báo thị trường lao động, những ngành nào có nguy cơ sa thải lao động phải có biện pháp để hạn chế hoặc giải quyết hậu quả, những ngành mới xuất hiện để nghiên cứu dự báo để đón đầu quá trình đào tạo.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền phổ biến về CMCN 4.0 để nâng cao nhận thức của người lao động và chủ doanh nghiệp sử dụng lao động. Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng tới người lao động ở thời 4.0 và tạo ra các chính sách để người lao động phát triển, nâng cao trình độ, hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của CMCN 4.0.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong đó nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm việc làm để làm sao thông tin thị trường, tư vấn về chính sách, pháp luật, đào tạo nghề cho người lao động, tăng cường hoạt động liên quan đến giới thiệu, cung ứng lao động, có các chính sách dự án chương trình hỗ trợ nhóm lao động có nguy cơ bị thất nghiệp như những người làm ngành dệt may, da giày hoặc gia công, bán hàng… kể cả với những người ở nhóm tuổi dễ bị mất việc. Mặt khác, tăng cường hoạt động để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng lao động.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

>>> Doanh nghiệp quy mô nhỏ khó khăn chồng chất khó khăn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục