Thị trường xuất khẩu thuỷ sản vẫn trong giai đoạn khó đoán

11:04' - 06/09/2023
BNEWS Xuất khẩu thuỷ sản vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng của doanh nghiệp nhưng mức độ tăng trưởng âm đã được thu hẹp.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đều tích cực khai thác những thị trường nhỏ để cải thiện doanh số.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước. Ước tính hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 5,8 tỷ USD, thấp hơn gần 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù có tín hiệu tích cực hơn nhưng Vasep đánh giá thị trường xuất khẩu thuỷ sản năm nay vẫn trong giai đoạn xáo trộn, khó đoán. Điều này thể hiện rõ khi vào tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu phục hồi, đạt mức cao 808 triệu USD, nhưng 2 tháng tiếp theo lại chững lại trong khi quy luật hàng năm xuất khẩu tăng dần đều trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý III.

Riêng xuất khẩu cá tra chỉ đạt mức cao nhất vào tháng 3, sau đó lại có chiều hướng giảm dần. Xu hướng này thể hiện rõ ở cả thị trường Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8 đạt khoảng 167 triệu USD và tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt tổng cộng gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định: Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên, nền kinh tế thế giới suy giảm khiến nhu cầu mặt hàng này sụt giảm ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc trong khi đây vốn là 3 thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Các thị trường khác cũng đối mặt với lạm phát khiến tiêu thụ sụt giảm.

Mặt khác, nửa đầu năm 2022, khi nền kinh tế các nước phục hồi sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã ồ ạt nhập khẩu với kỳ vọng tăng doanh số xuất khẩu và tiêu thụ cá tra trong nửa cuối năm 2022.

Nhưng trái với dự đoán, lượng tiêu thụ cá tra không đạt như kỳ vọng khiến lượng tồn kho tăng cao và kéo dài đến đầu năm 2023. Hệ lụy là giá nhập khẩu cũng bị cạnh tranh với hàng tồn kho khiến mặt hàng cá tra mới cũng bị cạnh tranh về giá tại các thị trường.

Theo bà Lê Hằng, ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam rất kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa, tuy nhiên thực tế kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại giảm tới hơn 30%. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, khiến tiêu dùng tại thị trường này sụt giảm.

Dù vậy, nhìn theo chiều hướng tích cực, mức sụt giảm kim ngạch cá tra tại thị trường Trung Quốc đang ít dần, từ âm 65% trong tháng 1/2023 còn âm 30% vào tháng 5 và xuống mức âm 7% vào tháng 7/2023. Điều này mở ra kỳ vọng xuất khẩu cá tra vào thị trường này sẽ hồi phục vào các tháng cuối năm khi nền kinh tế Trung quốc khả quan, người tiêu dùng thích nghi dần với bối cảnh mới sau đại dịch.

 

Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam hiện vẫn là nhà cung cấp số một về cá tra khi chiếm tới 91% tổng sản lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm, Mỹ lại là thị trường kém lạc quan nhất đối với cá tra Việt Nam. Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với sự suy giảm, lạm phát ở mức cao, tồn kho cá tra của các nhà nhập khẩu lớn khiến giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ giảm tới gần 60%.

Trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc gặp khó khăn, việc tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường nhỏ được coi là niềm hy vọng cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Điểm sáng trong bức tranh năm 2023 là việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Điển hình như xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25%; xuất khẩu sang Phần Lan tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; thị trường New Zealand tăng 17%; Thụy Điển tăng 25%…Dự báo cả năm 2023 xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 32% so với năm 2022.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm 8 tháng đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ. Tuy chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây doanh số xuất khẩu tôm cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm. Sự khởi sắc thể hiện rất rõ rệt ở thị trường Mỹ, khi mà doanh số tăng liên tục qua các tháng. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tín hiệu tăng từ tháng 3 nhưng không duy trì được đà tăng liên tục.

So với tôm và cá tra, thì xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác giảm nhẹ hơn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và duy trì doanh số ổn định qua từng tháng. Những thị trường tiêu thụ hải sản lớn nhất gồm Nhật Bản, chiếm 28,5%, Mỹ 15%, Hàn Quốc 11%, EU chiếm 9%... Trong số đó, các loài hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến xuất khẩu và gia công xuất khẩu cũng đóng góp một phần cho doanh thu ngành hải sản.

Đáng chú ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính của Việt Nam đều giảm, xuất khẩu cá ngừ sang Hàn Quốc lại tăng ấn tượng. Tính lũy kế 7 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 7 triệu USD.

Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, phân tích: Năm nay mặc dù đồng Won của Hàn Quốc bị mất giá mạnh so với USD khiến cho giá cá ngừ nhập khẩu tăng cao, nhưng do sản lượng đánh bắt của các đội tàu giảm nên Hàn Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong nhóm các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam, cá ngừ chế biến và đóng hộp sang Hàn Quốc hiện đang tăng mạnh, đặc biệt cá ngừ đóng hộp tăng 468% so với cùng kỳ năm 2022. Sự gia tăng nhập khẩu này là do kinh tế suy thoái khiến cho người dân Hàn Quốc thắt chặt tiêu dùng hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 8, nhưng lại là nguồn cung cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn nhất trong nửa đầu năm 2023, cao hơn cả Thái Lan và Italy. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 6 tháng đầu năm nay, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu cá ngừ vào Hàn Quốc giảm 7% về khối lượng, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp hơn 4 lần. 

Các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam đang chiếm tới gần 77% tổng nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, sau thông tin Nhật Bản xả nước thải nhiễm hạt nhân ra biển, có thể người tiêu dùng Nhật sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa và tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản và các nước láng giềng của Nhật, tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường, các doanh nghiệp hy vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ sáng hơn. VASEP cũng đưa ra dự báo lạc quan với doanh số xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục