Thích nghi để chung sống cùng đại dịch

16:14' - 03/10/2021
BNEWS Cộng đồng xã hội rất quan tâm tới sự chủ động của doanh nghiệp để thích ứng với dịch bệnh, hạn chế rủi ro và tổn thất để có thể giữ nhịp vận hành, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu; kể cả tại Việt Nam thì sự chủ động thích ứng, sáng tạo các giải pháp để phòng chống dịch bệnh và hạn chế thấp nhất những rủi ro, những tổn thất có thể xảy ra, mà vẫn giữ nhịp vận hành, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng…đang là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Qua thực tiễn hoạt động, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ với BNEWS/TTXVN về sự thích nghi của doanh nghiệp với hành vi tiêu dùng thời dịch bệnh.

Phóng viên: Trước những tác động của đại dịch, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi như thế nào thưa bà? Với riêngTân Hiệp Phát thì sao?

Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương: Thực tế ảnh hưởng đầu tiên của dịch COVID-19 là do thu nhập giảm nên người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu đối với những sản phẩm không thiết yếu hoặc được xem là không tốt cho sức khỏe. Khi ấy, họ chỉ mua hàng dựa trên giá trị và lợi ích mà sản phẩm mang lại. Người tiêu dùng vẫn trung thành với những nhãn hiệu hiện tại, nhưng cũng sẵn sàng trải nghiệm các sản phẩm mới/dịch vụ mới nếu đáp ứng cho nhu cầu mới của họ.

Không tiếp xúc đang và sắp trở thành xu hướng kể cả đối với việc thanh toán khi mua sắm. Người tiêu dùng đang hứng thú tìm kiếm hình thức bán lẻ không tiếp xúc. Do đó, giao dịch trên sàn thương mai điện tử và không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng trưởng; đặc biệt là mua sắm qua livestream sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn

Trong tình hình hiện nay, người dân cũng tránh tụ tập gặp gỡ mà chỉ ưu tiên gia đình, bạn bè tại nhà, nên hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời kể cả việc tiêu thụ, mua sắm hay ăn uống bên ngoài. Vì thế, cơ bản là các doanh nghiệp cần thiết lập mối quan hệ nhãn hàng với người tiêu dùng thông qua các sự kiện, các chương trình kết nối trực tuyến…

Cũng như hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, Tân Hiệp Phát khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ đại dịch. Đơn cử như việc phải sửa chữa máy móc thiết bị. Do đây không phải là mặt hàng thiết yếu, không được kinh doanh, vận chuyển… nên khiến cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ như Tân Hiệp Phát rất loay hoay khi gặp trục trặc, phát sinh. 

Thêm nữa, Tân Hiệp Phát cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi hệ thống phân phối và cung ứng. Không chỉ riêng với Tân Hiệp Phát, kể cả các ngành hàng nhu yếu phẩm khác cũng khó có thể biến nguy thành cơ trong giai đoạn hiện nay nếu mắt xích vận chuyển bị đình trệ. Chuỗi cung ứng cũng không thể nào vận hành trơn tru nếu một doanh nghiệp tồn tại trong khi các doanh nghiệp khác đóng cửa.  

Phóng viên: Tân Hiệp Phát hiện đang triển khai những giải pháp nào để duy trì được thị trường trong tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay?

Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương: Giải pháp mà chúng tôi đang áp dụng cho toàn bộ hệ thống của mình, không chỉ là bán hàng online, vì nó không đủ cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn.

Tân Hiệp Phát hiện đang duy trì hỗ trợ giá cho các kênh bán hàng. Việc tiếp tục giữ khuyến mại và trợ giá giúp cho toàn bộ hệ thống phân phối, đại lý duy trì mức giá bán tới tay người tiêu dùng cuối cùng; đồng thời, cũng đảm bảo mức lợi nhuận của các kênh bán hàng để họ không bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh.

Phóng viên: Quá trình vận hành của Tân Hiệp Phát hiện được triển khai ra sao và có gặp khó khăn, trở ngại gì không, thưa bà?

Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương: Tân Hiệp Phát vẫn đang nỗ lực duy trì 3 tại chỗ, dù đây thực sự là nỗi lo của rất nhiều doanh nghiệp.

Thực hiện 3 tại chỗ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỷ luật của công nhân. Tân Hiệp Phát hiện đang có hơn 1 nghìn nhân sự tham gia 3 tại chỗ và đã triển khai được hơn 2 tháng.Trải qua tháng đầu tiên thực hiện, ngoài yêu cầu đảm bảo an toàn, các nhu cầu khác của người lao động về giải trí, thư giãn đầu óc…đã bắt đầu phát sinh.

Do vậy chúng tôi đã phải tổ chức nhiều hoạt động hơn, nhiều chương trình truyền thông để giúp cho nhân viên hiểu và cung cấp những thông tin bên ngoài và tránh tình trạng nhiều công nhân viên mong đợi được ra về. Duy trì truyền thông hàng ngày với nhân viên là cực kỳ quan trọng và đã trở nên quan trọng hơn nữa nếu sau ba mươi ngày mà họ vẫn ở tại công ty.

Hiện nay để đảm bảo an toàn, ngoài việc xịt khử khuẩn, công ty còn đang nghiên cứu sử dụng đèn UV hoặc làm một số thiết bị để giữ khoảng cách cho công nhân trong quá trình làm việc như sử dụng mũ Vihelm hay vòng đeo tay – một thiết bị giúp truy vết hành trình và có tác dụng đo thân nhiệt. Với thiết bị này, hệ thống truy vết sẽ được tiến hành nhanh hơn rất nhiều. Thử nghiệm vòng đeo tay này đang được tiến hành và khi có kết quả cuối cùng, chắc chắn Tân Hiệp Phát sẽ chia sẻ để đưa vào ứng dụng.

Yếu tố then chốt để Tân Hiệp Phát thực sự thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh mới chính là văn hóa doanh nghiệp cùng các giá trị cốt lõi. Đây cũng là bài toán đặt ra và cần giải pháp để có thể sống chung với đại dịch; nhất là khi phải làm việc ở nhà, phải tương tác với những người vừa làm việc ở nhà, vừa làm việc ở tổ chức như Tân Hiệp Phát hiện nay.

Bất cứ là ai, doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển thì không thể nào nằm ngoài sự vận hành của cả chuỗi cung ứng. Tân Hiệp Phát cũng phải đưa ra nhiều sự lựa chọn chính xác để có thể đáp ứng được tiến độ thanh toán, tiến độ giao nhận hàng; cũng như tính toán những kế hoạch, chiến lược hoạt động nhằm duy trì và bảo đảm ổn định trong vòng 30 ngày hoặc 60 ngày tới; thậm chí cho đến khi chính quyền quyết định nới lỏng giãn cách…

Đại dịch càng kéo dài, chi phí hoạt động và vận hành càng tăng cao. Do đó, yêu cầu cải tiến liên tục vẫn cần phải được chúng tôi duy trì để thỏa mãn mọi nhu cầu ngắn hạn cũng như kiểm soát các mục tiêu trung và dài hạn không bị phá vỡ./.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục