Sức bật mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh COVID-19

15:33' - 22/09/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch bệnh, việc giúp doanh nghiệp SMEs tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi sẽ là một trong những đòn bẩy để doanh nghiệp có thể lấy đà ổn định sản xuất và phát triển bền vững.

Ngày 22/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Dự án Thúc đẩy cải cách - nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) tài trợ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nguồn tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi trong bối cảnh dịch COVID-19”.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo hiệp hội, một số ngân hàng thương mại, các tổ chức quốc tế và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua sự kiện này, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được tiếp cận những thông tin cập nhật nhất về hoạt động thẩm định, phê duyệt và giải ngân tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19. 

Ông Trần Văn Hiển, Phó Trưởng Ban đào tạo và Hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 và chủ trương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mặc dù, tại thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các doanh nghiệp đầu chuỗi sản xuất đã thực hiện mô hình “3 tại chỗ” hay "1 cung đường, 2 điểm đến" nhưng trong quá trình triển khai vẫn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới chỉ một số ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, dù nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì việc triển khai cũng làm tăng chi phí và áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tỷ lệ 97% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận thấy, chưa bao giờ việc hỗ trợ doanh nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Cụ thể, đa phần doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ, từ tiêm vaccine tới việc giảm thuế; từ tiếp cận vốn ngân hàng tới nguyện vọng được giảm lãi suất thấp... Ngay cả việc cấp giấy đi đường các doanh nghiệp cũng rất mong muốn được chính quyền sở tại hỗ trợ sớm.

Theo ông Hiển, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay và nguồn vốn dự trữ của doanh nghiệp cũng đang ngày càng cạn kiệt.

Việc giúp doanh nghiệp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi sẽ là một trong những đòn bẩy để doanh nghiệp có thể lấy đà ổn định sản xuất và phát triển bền vững.

Đại diện đơn vị tài trợ - Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID LinkSME, bà Phan Lệ Hà, Chuyên gia Tài chính cho hay, hoạt động tài chính luôn song hành với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và là mạch máu đảm bảo cho doanh nghiêp triển khai kinh doanh. Khả năng doanh nghiệp tự chủ tài chính bằng nguồn vốn tự có vốn góp của chủ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh và phát triển đều có nhu cầu sử dụng các nguồn vốn vay, vốn huy động.

Qua quá trình tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án nhận thấy một số điểm làm giảm khả năng tiếp cận thành công các nguồn tài chính tín dụng ngân hàng như: doanh nghiệp từng có lịch sử phát sinh nợ xấu; hạn chế về năng lực quản trị tài chính; báo cáo tài chính không rõ ràng, minh bạch; phương án kinh doanh không khả thi hay tài sản đảm bảo  không đủ điều kiện nhận của các tổ chức tài chính... Chính những tồn tại này đã giảm khả năng tiếp cận tài chính và kéo dài thời gian vay vốn của doanh nghiệp.

 

Về phía doanh nghiệp, phát triển năng lực tiếp cận tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công tiếp cận nhiều nguồn tài chính, giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Đối với các ngân hàng, các tổ chức tài chính, am hiểu từng loại hình doanh nghiệp sẽ xây dựng các chính sách tín dụng và chính sách sản phẩm phù hợp nhất với doanh nghiệp. Điều này vừa giúp các tổ chức tín dụng quản trị tài chính, vừa giúp doanh nghiệp xây dựng các dòng tiền trả nợ phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp.

Trong năm 2021, USAID LinkSME đã triển khai nhiều chương trình đào tạo để giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài chính. Theo đó, phối hợp cùng các ngân hàng xây dựng đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp khi họ cần chuẩn bị các hồ sơ vay vốn hoặc hỗ trợ họ cấu trúc lại khoản vay trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động, sự kiện kết nối với các nguồn tài chính để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn từ các quỹ tín dụng.../.

 

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục