Nhiều thủ tục doanh nghiệp khó thực hiện theo dự thảo quy định mới về bảo vệ môi trường

10:46' - 23/09/2021
BNEWS Về tổng thể, bản dự thảo có nhiều nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp; thủ tục hành chính còn nhiều và chưa áp dụng được công nghệ số trong quá trình cấp phép, quản lý cần được tiếp tục hoàn thiện.

Nhiều nội dung, quy định chưa phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng khó thực hiện là ý kiến phản hồi từ phía các hiệp hội, ngành hàng đối với dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra.
*Nhiều giấy phép con
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, về tổng thể, bản dự thảo có nhiều nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp; thủ tục hành chính còn nhiều và chưa áp dụng được công nghệ số trong quá trình cấp phép, quản lý cần được tiếp tục hoàn thiện.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, tại khoản 4, Điều 38 về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường, nhiều nội dung không đúng, tiền kiểm và can thiệp vào quy trình nội bộ của doanh nghiệp. Do vậy, VITAS kiến nghị sửa đổi Điều 38 theo đúng yêu cầu của Điều 46 của Luật và tương thích là sửa lại phụ lục 32 theo tinh thần hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi cấp phép, không can thiệp quá sâu vào quy trình nội bộ của doanh nghiệp.
Theo bản góp ý của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), dự thảo đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính,giảm bớt giấy phép con.
Trong dự thảo nghị định, có một khối lượng khổng lồ các quy định và hướng dẫn để thực hiện việc cấp phép về môi trường, gồm: 10 phụ lục, 24 trang với 12 điều. Chỉ riêng phần chính của Nghị định, chưa bao gồm phụ lục, đã có tới 379 từ “giấy phép” với hàng chục loại giấy phép khác nhau. Từ giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế…. cũng phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các doanh nghiệp có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép. 

“Thực sự đây là một thủ tục hành chính vô cùng phức tạp và nặng về văn bản giấy tờ, nguồn lực và tài chính, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Bởi, doanh nghiệp nhiều lần phải xin, trình, nộp qua nhiều cấp khảo sát, cấp giấy phép. Khi có thay đổi cũng phải đi xin lại giấy phép rất phức tạp”, Eurocham cho hay.
Do vậy, các hiệp hội ngành hàng kiến nghị cần giảm bớt các loại giấy phép, đơn giản thủ tục cấp phép theo đúng Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, phân loại theo quản lý rủi ro để xây dựng thủ tục phù hợp.

*Khó khả thi trong tái chế

Theo phản hồi từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), các doanh nghiệp rất ủng hộ việc bảo vệ môi trường. “Tuy nhiên, dự thảo đặt nặng vấn đề cấp giấy phép và thu phí, mà chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể và hữu hiệu để bảo vệ môi trường”.

Cụ thể, về việc tái chế sản phẩm, bao bì, đại diện Eurocham – ông Jean-Jacques Bouflet cho hay, tên gọi “đóng góp” là không phù hợp mà phải gọi đúng tên là phí bảo vệ môi trường cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020, để mức thu và cơ chế quản lý thu chi được quản lý theo Luật Phí và Lệ phí, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.

Theo đó, từ điều 88-189, dự thảo quy định doanh nghiệp “đóng góp tài chính” vào quỹ bảo vệ môi trường để tái chế bao bì. Nếu gọi “đóng góp” thì phải là tự nguyện, nhưng doanh nghiệp hiểu rằng đây là khoản thu bắt buộc được tính dựa trên công thức cụ thể và được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là phí bảo vệ môi trường.

Bản chất, đây là một loại phí tương tự như phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hay phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, nên cần phải sử dụng tên gọi cụ thể cho khoản đóng góp này. Tên gọi đó có thể là phí bảo vệ môi trường đối với việc tái chế bao bì và phí này chịu sự điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí. Từ đó góp phần thu chi được công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đại diện Eurocham nêu rõ.

Ngoài ra, với công thức tính mức phí, tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế, cơ chế quản lý thu chi của dự thảo đưa ra chưa rõ ràng và chưa phù hợp. Từ đó, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện mức phí và quản lý thiếu minh bạch đối với số phí thu được. Bởi, đây là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp ở các ngành khác nhau. Do đó, dự thảo hoặc Thông tư hướng dẫn cần phải được xác định rõ ràng cách tính các chỉ số trong công thức tính tỷ lệ tái chế và công thức tính mức đóng góp tài chính.


“Các chỉ số của các công thức này phải được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và khu vực; đồng thời, xây dựng lộ trình tái chế sản phẩm, bao bì phù hợp với thực tế và công nghệ hiện có ở Việt Nam và trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, việc xây dựng công thức tính, cơ chế quản lý thu, chi cần có sự tham gia trực tiếp hoặc chủ trì của Bộ Tài chính là đơn vị được Chính phủ giao trách nhiệm và có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về thuế, phí và các khoản thu nói chung”, Eurocham kiến nghị.
Một vấn đề khác được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đưa ra là, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế là quá ngắn; tỷ lệ thu hồi bao bì để tái chế là quá cao, khó khả thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, nếu được Chính phủ thông qua, Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2022. Các hiệp hội ngành hàng cho rằng, hiện nay, người dân và doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình cùng Chính phủ chống dịch. Nếu Nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh cũng như đã phát sinh rất nhiều khoản phí liên quan đến chống dịch..
Eurocham cho rằng, hệ quả của việc phải tăng thêm chi phí tái chế theo Nghị định này là doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá hàng hóa. Cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả hàng hóa đắt hơn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kép của Chính phủ.
Thêm vào đó, tỷ lệ thu hồi đối với bao bì quy định trong của dự thảo từ 80-90% là quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Để đạt được tỷ lệ thu hồi này, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai, dự kiến phải mất từ 3-5 năm. 
Ngoài ra, dự thảo còn bắt buộc tái chế bao bì của thực phẩm và đồ uống thành các sản phẩm cụ thể, như: giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy... và đây là quá trình chế biến thành các sản phẩm khác. Quá trình này thường đòi hỏi nguyên vật liệu tái chế phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, rồi mới ra được sản phẩm có tính thương mại như trên.
Do vậy, Eurocham khuyến nghị, cần giãn lộ trình thực hiện thêm 3 năm cho đến tháng 1/2025; đồng thời, có lộ trình và tỷ lệ thu hồi phù hợp, khởi đầu là 40% và sau đó cứ 3 năm tăng một lần, mỗi lần không quá 5%. Trước mắt, ưu tiên thu gom, tái chế những sản phẩm, bao bì khó thu gom, gây tác hại lớn cho môi trường. Những bao bì có giá trị thương mại và tỷ lệ thu hồi cao, như: bao bì giấy, bao bì nhôm, không gây độc hại cho môi trường nên được cân nhắc bỏ ra khỏi danh mục tái chế bắt buộc…
Cùng quan điểm trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tỷ lệ tái chế bắt buộc cần được điều chỉnh theo chu kỳ 3 năm một lần để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, tối thiểu không dưới 24 tháng. Thời hạn công bố tỷ lệ tái chế bắt buộc ít nhất 6 tháng trước ngày bắt đầu áp dụng tỷ lệ tái chế bắt buộc mới. Từ đó, doanh nghiệp có đủ thời gian lên dự phòng tài chính hoặc kế hoạch tái chế cho doanh nghiệp của mình trong năm tiếp theo và tỷ lệ này không nên vượt quá 5% cho mỗi lần điều chỉnh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục