Thiết lập vành đai xanh ven biển trước làn sóng đô thị hóa

11:03' - 20/02/2019
BNEWS Tỉnh Quảng Nam đã thiết lập các vành đai rừng phòng hộ ven biển của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bảo vệ có hiệu quả và phát triển các vành đai xanh trước tốc độ đô thị hóa tăng nhanh.
Du khách nước ngoài bên bờ biển Cửa Đại bị sóng biển xâm thực. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Vành đai xanh ven biển có tác dụng lớn trong hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn các huyện và thành phố kéo dài từ cực Nam đến cực Bắc của tỉnh Quảng Nam gồm: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và các thành phố Tam Kỳ, Hội An.

Trong số đó, ưu tiên khu vực bị sạt lở nặng để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sóng biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền.

Với việc đưa cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển vào sử dụng, tỉnh Quảng Nam quy hoạch quỹ đất rộng trên 3.000 ha đất sạch để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Hiện các dự án đầu tư với không gian phát triển lên tới 42.000 ha, bao gồm cả Khu kinh tế mở Chu Lai và dự án tổng thể sắp xếp dân cư dọc 25 xã, phường, thị trấn ven biển để hình thành nhóm dự án khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp.

Trước làn sóng đô thị hóa hiện hữu, cuối năm 2018 vừa qua, thành phố Tam Kỳ trồng mới 20 ha rừng phòng hộ dọc theo tuyến đường vành đai ven biển; trồng mới nhiều cánh rừng phi lao, rừng dương ven biển.

Những dự án này tuy không lớn nhưng được xem là bước khởi đầu trong khôi phục và củng cố vành đai xanh ven biển, được kỳ vọng mang lại hiệu quả lớn trong chống cát bay, gây ô nhiễm môi trường đô thị trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An lo ngại, khi chưa bị sạt lở, bãi biển Hội An và An Bàng là những bãi biển đẹp nổi tiếng trên thế giới. Hiện bờ biển Hội An bị nước biển xâm thực với chiều dài hơn 4km. Nhiều công trình xây dựng phục vụ du lịch bị bỏ hoang do sóng biển đe dọa.

Việc thực hiện có hiệu quả vành đai xanh ven biển vừa có tác dụng “trung hòa” môi trường với tốc độ đô thị hóa, tác dụng chống sạt lở ven biển hiệu quả. Hiệu quả bước đầu của dự án trồng dừa nước ở hạ lưu sông Thu Bồn và nhiều diện tích mặt nước tự nhiên trong lòng thành phố Hội An là một điển hình.

Để bảo tồn và phát triển rừng phòng hộ ven biển, việc quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch phải quản lý chặt chẽ theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ có tốc độ đô thị hóa nhanh, huyện Núi Thành còn được xem là vùng đất “thủ phủ” của Khu kinh tế mở Chu Lai. Do đó, các dự án trồng rừng ngập mặn để phục hồi hệ sinh thái rừng đước tại các nhánh sông Trường Giang, phục hồi cánh rừng dương tại các xã ven biển được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành cho biết, mục đích chính của việc phục hồi các khu rừng ngập mặn, dải rừng phi lao, rừng dương ven biển nhằm duy trì và phát triển rừng ven biển có chất lượng tốt, đảm bảo tính bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng ven biển trước tốc độ đô thị hóa tăng nhanh.

Việc bảo tồn và phát triển các khu rừng phòng hộ ven biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển là những ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển về phía biển lâu dài, bền vững của địa phương, ông Thịnh chia sẻ.

Trong chuyến thực địa về vùng Đông ven biển, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh mới đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, muốn quản lý, bảo vệ khu vực rừng phòng hộ ven biển gắn với thực hiện các dự án đầu tư theo quyết định mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt phải sắp xếp, thiết lập các đai rừng phòng hộ có hiệu quả thiết thực.

Các cánh rừng phòng hộ ven biển không chỉ góp phần cân bằng môi trường sống đô thị mà có khả năng cao trước biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra cảnh quan cho du lịch biển đảo./.

Xem thêm:

>>Đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng đường phía bắc cầu Cửa Đại

>>Hơn 550 tỷ đồng nối đường vành đai ven biển với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục