Thiếu hệ thống bảo quản gây áp lực lên thị trường nông sản Việt Nam

08:21' - 17/06/2021
BNEWS Khi đại dịch COVID-19 xảy ra ở nhiều địa phương, việc tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn, trong khi hệ thống bảo quản yếu càng gây áp lực lên thị trường.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng hệ thống kho lạnh lại chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nên mặt hàng này xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, tươi sống là chính.

Những bất cập này càng trở nên nổi cộm khi đại dịch COVID-19 xảy ra ở nhiều địa phương. Việc tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn, trong khi hệ thống bảo quản yếu càng gây áp lực lên thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu quả vải, ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết, việc đầu tư kho lạnh của doanh nghiệp ở Bắc Giang là hợp lý, đúng đắn, có sự chủ động trong xuất khẩu.

Doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh với khoảng từ 700 - 800 tấn nhưng vào chính vụ vải, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm thêm các doanh nghiệp cho thuê kho lạnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.

Để sẵn sàng xuất khẩu những rau quả tươi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hệ thống bảo quản lạnh ngay tại cơ sở sơ chế, chế biến. Nhưng việc đầu tư này vẫn chủ yếu là những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định mà chủ yếu là xuất khẩu.

Với số lượng kho lạnh trên chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản cho nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng Bộ môn nghiên cứu công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đánh giá, hiện đã dần hình thành mạng lưới kho lạnh với những tổng kho lớn của các doanh nghiệp lớn đầu tư.

Chuỗi lạnh trong thủy sản khá hoàn thiện nhưng trong chuỗi trái cây, rau vẫn còn nhiều lỗ hổng. Khâu đang thiếu và yếu nhất là khu vực sơ chế, ngay sau thu hoạch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, hạ tầng, kho bãi của Việt Nam thiếu nên xuất khẩu thô nhiều. Để nâng cao giá trị gia tăng nông thủy sản có nhiều giải pháp; trong đó có giải pháp ưu tiên xây dựng kho lạnh. Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế chính sách.

Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều vùng nông sản khác nhau nên việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất không thể tự phát như hiện nay.

Nông nghiệp Việt Nam là cần kho lạnh cỡ nhỏ cho hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tại các vùng như vải thiều, thanh long, nhãn… Các vùng chuyên canh sản xuất cần có sự đầu tư kho lạnh.

Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã tiếp cận vốn sản xuất đã khó khăn thì việc tiếp tận vốn để đầu tư kho lạnh càng cực kỳ khó khăn. Kho lạnh liên quan đến kỹ thuật và vận hành, nếu nhà nước hỗ trợ thì nên với hình thức công - tư kết hợp, ông Đào Thế Anh cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hiểu cũng cho rằng, dù quy mô to hay nhỏ nhưng đây cũng là thứ thuộc hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp nên cần phải có. Hợp tác xã nhiều nhưng trình độ quản lý còn hạn chế. Hợp tác xã cần xác định được những sản phẩm mục tiêu thì họ mới đầu tư được.

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đầu tư về trạng thiết bị, bảo quản chế biến; trong đó có kho lạnh. Nhiều tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ nhưng các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận bởi phải có dự án khả thi.

Về công nghệ lạnh, ông Nguyễn Mạnh Hiểu đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Nhưng vấn đề khó khăn nhất là vốn đầu tư và kiến thức để hiểu về vai trò của sản phẩm.

Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch đã và đang chuyển giao công nghệ và luôn hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu vải đều sử dụng công nghệ của viện.

Nhìn lại sự đầu tư bài bản của mình, nhưng ông Đỗ Hoàng Phương cũng phải thừa nhận rằng, đến nay các kho lạnh vẫn chưa đảm bảo hiệu quả. Bởi, đến vụ vải doanh nghiệp không có đủ kho để bảo quản nhưng khi hết vụ thì lại là một bài toán cần lời giải. Doanh nghiệp phải tìm kiếm các loại nông sản khác để nối tiếp nhau thì mới phát huy hiệu quả của việc đầu tư kho.

“Bản thân doanh nghiệp đã phải tính toán thêm các sản phẩm khác, như thêm sản phẩm đậu tương cũng sử dụng kho thêm được 3-4 tháng. Doanh nghiệp sau khi xuất khẩu sang Nhật Bản được đối tác tin tưởng, đặt hàng với số lượng nhiều hơn nhưng lại thiếu nguyên liệu để chế biến. Như vậy vấn đề kho lạnh hiệu quả lại quay lại bài toán đầu tiên là vùng nguyên liệu”, ông Đỗ Hoàng Phương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Phòng giao nhận Cảng cạn ICD Mỹ Đình cho rằng, chuỗi lạnh là một chuyên ngành trong logistics. Khi một chuỗi sản xuất không được đầu tư ngay từ ban đầu thì sẽ rất khó phát triển.

Còn doanh nghiệp làm theo tính chất thời vụ thì rất khó đáp ứng được nhu cầu khi có sự bùng nổ nguyên liệu vào một thời điểm. Giá trị đầu tư loại hình này rất lớn. Câu chuyện logistics là câu chuyện đi cùng nhiều khâu vận hành, chứ logistics không thể phát triển trước.

Nhà nước cần định hướng và hỗ trợ cơ chế để nông dân và doanh nghiệp đến với nhau. Với doanh nghiệp có đủ năng lực thì họ vẫn chưa thấy tiềm năng đầu tư nếu sản phẩm vẫn mang tính chất mùa vụ. Đây là vấn đề quy hoạch vùng sản xuất và sự vào cuộc của ít nhất ba bộ, ngành là công thương, giao thông và nông nghiệp.

Cũng với quan điểm trên, theo ông Đào Thế Anh, các chính sách thúc đẩy công nghệ sau thu hoạch, bảo quản vẫn còn chung chung. Không chỉ cần riêng kho lạnh để bảo quản mà cần cả chuỗi lạnh trong sản xuất và tiêu thụ. 

"Nhà nước cần có đề án, chiến lược cấp quốc gia để phát triển khâu hậu cần phục vụ cho xuất khẩu nông sản và thực hiện điều này cần có sự phối hợp của liên bộ", ông Đào Thế Anh đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục