Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ chi phối thị trường dầu thế giới

12:16' - 11/04/2020
BNEWS Yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư trên thị trường dầu thô thế giới tuần này là những thông tin xung quanh thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùa nhóm OPEC+.

Dù nghỉ lễ vào phiên 10/4 và đóng cửa tuần giao dịch vào ngày 9/4, thị trường năng lượng thế giới đã có một tuần không mấy suôn sẻ sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng 35% trong tuần trước.

Tuần này, yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư là những thông tin xung quanh thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (còn gọi là nhóm OPEC+).

Mở đầu tuần mới trong phiên 6/4, giá dầu thế giới đi xuống sau khi Saudi Arabia và Nga tạm hoãn cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt nhằm giải quyết tình trạng dư cung đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 8% xuống 26,08 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 3,1% xuống 33,05 USD/thùng.

Đà giảm tiếp tục kéo dài sang phiên ngày 7/4 trước tình hình nguồn cung dầu gia tăng trong khi nhu cầu “vàng đen” suy giảm do các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các nhà đầu  tư cũng thận trọng hơn trước những dự báo cho rằng OPEC+ sẽ sớm nhất trí cắt giảm sản lượng dầu để hỗ trợ thị trường.  

Phiên này, giá dầu WTI đã giảm tới 9,4% xuống còn 23,63 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 3,6% xuống còn 31,87 USD/thùng.

Ngày 8/4 là phiên tăng duy nhất của giá “vàng đen” trong tuần này, khi giới đầu tư đặt nhiều hy vọng vào khả năng OPEC+ có thể đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ngày 9/4.

Giá dầu Brent tăng 3% lên 32,84 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI phục hồi 6,2% lên 25,09 USD/thùng.

Tuy nhiên trong phiên 9/4, giá dầu thế giới quay đầu giảm trước những nghi ngại rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC+ sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu dầu toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent lùi 4,1% xuống 31,48 USD/thùng, còn giá dầu WTI để mất tới 9,3% xuống 22,76 USD/thùng.

OPEC+ ngày 9/4 đã vạch ra kế hoạch cắt giảm hơn 20% sản lượng dầu thô của nhóm này (tương đương 10 triệu thùng/ngày) để giảm bớt tác động từ cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên thị trường năng lượng.

Ngoài ra, OPEC+ cũng kêu gọi các nước sản xuất dầu khác bao gồm Mỹ cắt giảm sản lượng thêm 5 triệu thùng/ngày, nhằm góp phần ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ nặng nề nhất trong hàng chục năm qua.

Nhưng giới quan sát chỉ ra rằng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30% trước tác động từ những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Vì vậy, dù kế hoạch cắt giảm tổng mức 15 triệu thùng/ngày nêu trên được thực hiện, nó vẫn không đủ để kìm hãm tình trạng dư cung dầu trên thị trường toàn cầu.

Tính chung trên cả tuần, giá dầu WTI đã giảm tới 19,7% còn giá dầu Brent lùi 7,7%. So với hồi đầu năm, giá dầu WTI hiện đã để mất tới 63% trong khi giá dầu brent cũng ghi nhận mức giảm tới hơn 52%.

Sang tuần sau, giới phân tích nhận định yếu tố chính chi phối thị trường sẽ là động thái từ các nước sản xuất dầu lớn khác bao gồm Canada, Mexico, Brazil và Mỹ, sau khi Saudi Arabia và Nga đã đưa ra những động thái của riêng họ.

Các nước này có thể được yêu cầu cắt giảm thêm sản lượng hoặc mua thêm dầu cho các kho dự trữ chiến lược, nhằm giảm bớt áp lực do dư dôi nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục