Thỏa thuận đạt được tại Doha sẽ giúp thị trường dầu mỏ ổn định hơn?

06:30' - 18/02/2016
BNEWS Thỏa thuận giữa Saudi Arabia, Nga, Qatar và Venezuela đạt được tại Doha ngày 16/2 về việc "đóng băng" sản lượng dầu mỏ hứa hẹn sẽ ổn định thị trường năng lượng.
Thỏa thuận giữa Saudi Arabia, Nga, Qatar và Venezuela đạt được tại Doha ngày 16/2 về việc "đóng băng" sản lượng dầu mỏ hứa hẹn sẽ ổn định thị trường năng lượng. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận giữa Saudi Arabia, Nga, Qatar và Venezuela đạt được tại Doha ngày 16/2 về việc "đóng băng" sản lượng dầu mỏ để giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu được hoan nghênh nhiệt liệt, bởi thỏa thuận này sẽ giúp giá dầu hồi phục ở mức hợp lý và ổn định thị trường năng lượng.

Sau khi đạt được thỏa thuận trên, Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Nouaïmi tuyên bố quyết định này là "sự khởi đầu của tiến trình mà chúng tôi sẽ đánh giá trong những tháng tới để quyết định liệu có cần những giải pháp khác nhằm ổn định thị trường hay không".

Về phần mình, Bộ trưởng Dầu mỏ Qatar, Mohammed bin Saleh al-Sada nhấn mạnh rằng sáng kiến này nhằm ổn định thị trường vì lợi ích không chỉ của các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô mà còn vì nền kinh tế thế giới.

Theo nhận định của chuyên gia dầu mỏ Abdelmadjid Attar, thỏa thuận này sẽ ổn định giá dầu trước khi giá dầu được hồi phục dần trong hai hoặc ba tháng tới ở một mức hợp lý vào khoảng 40-50 USD/thùng, thay vì 32-33 USD/thùng như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Attar cũng nhấn mạnh sẽ rất khó để giá dầu có thể quay lại với mức 100 USD/thùng ngay lập tức vì khủng hoảng kinh tế và tình trạng dư cung dầu mỏ quá lớn trên thị trường. Theo giới chuyên gia, Saudi Arabia và Nga cũng cần "đóng băng" sản lượng vì sản lượng của các nước này đã đạt ngưỡng tối đa và sẽ không có lợi khi sản xuất thêm giữa lúc thị trường đã hoàn toàn bão hòa.

Về tác động của việc Iran quay trở lại thị trường dầu thế giới, ông Attar khẳng định Tehran sẽ không bao giờ có thể đạt được ngưỡng sản lượng mà nước này đã từng nói (thêm 500.000 thùng dầu/ngày từ nay đến cuối năm) vì các nhà máy lọc dầu cần đầu tư lớn để đổi mới công nghệ và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Salah Khebri khẳng định nước này sẽ tiếp tục những nỗ lực nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa các nước sản xuất trong và ngoài OPEC nhằm làm giảm nguồn cung trên thị trường để hồi phục giá dầu.

Nhận định rằng giá dầu hiện nay thấp ở mức phi lý, ông Khebri dự báo những tác động tiêu cực của tình hình này đến các nước xuất khẩu dầu và làm tăng rủi ro cho các thị trường chứng khoán và tài chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục