Thỏa thuận thuế toàn cầu của G7 và tác động với doanh nghiệp

06:30' - 16/06/2021
BNEWS Vì sao các công ty công nghệ lớn, vốn có lợi nhuận khổng lồ và các chiến lược tránh thuế phức tạp, tỏ ra hoan nghênh mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của G7?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra từ ngày 11-13/6, lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí thỏa thuận về một mức thuế mới nhằm vào 100 công ty lớn nhất thế giới. Theo đó, thuế sẽ được đánh vào nơi các công ty thực hiện hoạt động bán hàng thay vì ở nơi đặt trụ sở công ty. 

Trước đó, trong cuộc họp ngày 5/6, các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đồng ý trên nguyên tắc mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, ít nhất là 15%, để tránh các tập đoàn đa quốc gia chuyển trụ sở đến các “thiên đường thuế” để tránh thuế.

Bằng cách loại bỏ một số điểm hấp dẫn của việc định tuyến lợi nhuận thông qua các “thiên đường thuế”, kế hoạch này có thể bổ sung một số chiến lược tránh né được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra một bộ quy tắc mới cho các nhà lập kế hoạch thuế thực hiện.

Mặc dù vậy theo Tờ Financial Times (Anh), phản ứng của thị trường chứng khoán là không đáng kể, khi các nhà đầu tư quyết định rằng mối đe dọa đối với lợi nhuận chưa đủ lớn để ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn, vốn có lợi nhuận khổng lồ và các chiến lược tránh thuế phức tạp, đã tỏ ra hoan nghênh kế hoạch này.

“Làn gió ngược” không đáng kể?

Margie Patel, một nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Wells Fargo Asset Management, cho biết: “Thị trường đã cho thấy kế hoạch sẽ không có nhiều tác động. Đó là suy nghĩ viển vông của một số quốc gia lớn hơn, nhưng đây sẽ là một cuộc mua bán thực sự khó khăn đối với một số nền kinh tế nhỏ hơn vì họ có thể mất đi sức hấp dẫn như một ‘thiên đường thuế’”.

Trụ cột thứ nhất của thỏa thuận là thuế suất tối thiểu 15% đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Thỏa thuận này sẽ chỉ có hiệu lực nếu đủ quốc gia áp dụng nó, nếu không các công ty có thể tiếp tục lách các quy tắc bằng cách chuyển sang các khu vực pháp lý thân thiện hơn.

Trụ cột thứ hai đối mặt với một thách thức thậm chí còn khó khăn hơn, đó là quyền đánh thuế lợi nhuận trên 10% của 100 công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới. Các bộ trưởng G7 đã nhất trí các chính phủ nên có quyền đánh thuế ít nhất là 20% đối với lợi nhuận mà một tập đoàn đa quốc gia có được tại một quốc gia khi số lợi nhuận này vượt tỷ suất 10%.

Giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi kế hoạch được tiến hành, các khoản thuế tăng thêm, ước tính khoảng 4% tổng thu thuế doanh nghiệp toàn cầu hiện tại, sẽ chỉ giống như là một lỗi làm tròn số trong hầu hết các tài khoản của các công ty.

Julian Emanuel, Giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu và phái sinh tại hãng dịch vụ tài chính BTIG, cho biết: “Đó có thể là một ‘cơn gió ngược’ nhưng thành thật mà nói, ở mức thu nhập tổng thể, điều này thực sự không đáng kể”.

Theo ước tính của Goldman Sachs, đề xuất này sẽ chỉ làm giảm 1-2% thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty trong S&P 500 vào năm tới.

Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tỷ lệ tối thiểu sẽ là các công ty có tỷ lệ bán hàng ở nước ngoài cao và những công ty phụ thuộc nhiều vào quyền sở hữu trí tuệ và phí cấp phép sở hữu trí tuệ thông qua các khu vực pháp lý có thuế thấp hơn.

Theo phân tích của Goldman, trong số khoảng 40 công ty Mỹ có thuế suất dự kiến dưới 15% vào năm 2022, có 15 công ty thuộc lĩnh vực chip và 10 công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm.

Nvidia, nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới, đã báo cáo thuế suất hiệu quả dưới 2% vào năm ngoái, một phần bằng cách đặt lợi nhuận ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, Israel và Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, cổ phiếu của Nvidia đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi G7 công bố kế hoạch của mình.

Trong số ít bị ảnh hưởng nhất bởi mức thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ là các công ty công nghệ lớn, một số đã trở nên ít bị tổn thương hơn sau những thay đổi gần đây đối với các thỏa thuận thuế của họ.

Google từng giữ phần lớn tài sản trí tuệ của mình ở Bermuda và cấp phép cho các bộ phận khác của tập đoàn - một cách chuyển lợi nhuận sang một quốc gia có chi phí thấp. Nhưng sau cuộc cải cách thuế năm 2017 của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, công ty này đã chuyển quyền sở hữu trí tuệ trở lại Mỹ. Sau Google, Microsoft cũng làm theo, đặt một phần lợi nhuận lớn hơn nhiều vào trong mạng lưới thuế của Mỹ.

Kết quả là một số tập đoàn công nghệ lớn có thể “sẽ không phải trả nhiều thuế hơn đáng kể” vì mức tối thiểu của G7, theo nhà kinh tế Seamus Coffey tại University College Cork và là cựu cố vấn của Chính phủ Ireland về cải cách thuế.

Trong khi đó, trụ cột tiếp theo của kế hoạch là áp thuế dựa trên vị trí của khách hàng, cũng không có khả năng ảnh hưởng đến các công ty kỹ thuật số lớn nhất, vì trụ cột này sẽ chỉ thay thế phần lớn thuế dịch vụ kỹ thuật số đã được áp dụng đối với những công ty đó ở các quốc gia như Anh và Pháp. Việc từ chối dỡ bỏ các loại thuế này cho đến khi kế hoạch G7 được thông qua có thể trở thành một trong những trở ngại lớn nhất của kế hoạch.

Vẫn là một bước ngoặt

Tuy nhiên, ngay cả khi tác động tức thời là nhỏ, những thay đổi có thể báo trước một bước ngoặt trong việc thu thuế doanh nghiệp.

Theo một số chuyên gia, mức thuế sàn có thể khiến một số quốc gia tự tin hơn rằng họ có thể tăng thuế suất của lên ngưỡng cao hơn mức tối thiểu mà không có nguy cơ làm xói mòn cơ sở thuế quốc gia. Chính quyền Tổng thống Biden đã thúc đẩy thỏa thuận quốc tế như một “khúc dạo đầu” cho kế hoạch nâng thuế suất thuế doanh nghiệp của Mỹ từ mức 21% lên 28%.

Đề xuất này cũng có khả năng gây ảnh hưởng lớn hơn đáng kể so với mức thuế tương tự đánh vào lợi nhuận quốc tế, được thông qua như một phần của cuộc đại tu năm 2017 của Mỹ, được gọi là Gilti. Thuế của Mỹ được áp dụng trên cơ sở toàn cầu, có nghĩa là các công ty có thể tính trung bình mức thuế mà họ phải trả ở các quốc gia có mức thuế cao và thấp.

Ngược lại, G7 đã đồng ý về kế hoạch theo từng quốc gia, áp dụng tỷ lệ tối thiểu 15% cho lợi nhuận kiếm được ở từng địa điểm cụ thể, đặt ra một thách thức trực tiếp đối với các “thiên đường thuế” trên thế giới.

Những thay đổi được đề xuất đã lan truyền khắp thế giới thuế doanh nghiệp, khi các công ty chuẩn bị cho gánh nặng hành chính mới và kèm theo đó là khả năng xuất hiện các hình thức tránh thuế mới. 

Theo ông Chris Sanger, người đứng đầu chính sách thuế của tập đoàn Ernst and Young, một trong bốn tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp lớn đang xem xét chi phí hoạt động ở các quốc gia có thuế suất dưới 15% và tìm hiểu xem liệu chúng có “đại diện cho nơi tốt nhất để đầu tư”.

Tim Sarson, đối tác về thuế của Tập đoàn KPMG (Anh), cũng nói rằng việc các công ty xem xét lại địa điểm hoạt động của họ có khả năng “dẫn đến rất nhiều sự tái cân bằng giữa các quốc gia và tái cơ cấu một số chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghệ”.

Các đề xuất cũng có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định rộng lớn hơn. Chẳng hạn, việc không áp dụng một phần kế hoạch thuế cho các công ty có tỷ suất lợi nhuận dưới 10% có thể khuyến khích các doanh nghiệp đang phát triển tiếp tục tái đầu tư thay vì theo đuổi tỷ suất lợi nhuận cao hơn, theo Christian Hallum, chuyên gia cao cấp về thuế và dịch vụ ngoại tệ tại Oxfam Đan Mạch.

Ngưỡng 10% có thể tạo ra các tác động không mong muốn khác. Ví dụ, để ngăn bộ phận dịch vụ đám mây có lợi nhuận của Amazon lách luật dưới hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có lợi nhuận thấp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang tìm cách đánh thuế bộ phận này một cách riêng biệt.

Điều đó sẽ dẫn đến một “trò chơi mèo vờn chuột” mà cơ quan thuế sẽ khó thắng, một số chuyên gia cảnh báo. Bob Willens, một nhà phân tích thuế của Mỹ, cho biết, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đánh thuế các đơn vị riêng lẻ trong các công ty sẽ khiến họ phải tái cơ cấu để tránh thuế hoặc cố gắng đặt các bộ phận có lợi nhất của họ ở các quốc gia có thuế suất thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục