Thỏa thuận thương mại Ấn Độ-Australia đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới

05:30' - 09/04/2022
BNEWS Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại Ấn Độ-Australia (IndAus ECTA), khi được triển khai toàn diện, sẽ cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng và mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp.

Tờ The Economic Times đăng bài phân tích của Dipen Rughani, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Newland Global Group, một công ty tư vấn doanh nghiệp Australia có trụ sở tại Sydney chuyên về quan hệ Australia-Ấn Độ nhận định về Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại Ấn Độ-Australia (IndAus ECTA).
Sau gần 10 năm đàm phán, Ấn Độ và Australia đã ký một hiệp định kinh tế mang tính bước ngoặt vào ngày 2/4 mang tên IndAus ECTA, văn kiện sẽ cắt giảm thuế quan đối với hơn 85% hàng hóa xuất khẩu sang quốc gia Nam Á, trong bối cảnh cả New Delhi và Canberra đang tìm cách đảm bảo các chuỗi cung ứng thay thế.

Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 cũng được cho là lý do khiến hai nước “hồi sinh” các cuộc đàm phán về thỏa thuận này. Thỏa thuận gần nhất mà Ấn Độ ký là với Nhật Bản vào năm 2011, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Australia vào năm 2022. 
Các cuộc đàm phán về ECTA giữa Ấn Độ-Australia chính thức được khởi động lại vào ngày 30/9/2021 và kết thúc vào cuối tháng 3/2022. IndAus ECTA khi được triển khai toàn diện sẽ xóa bỏ thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và mở ra thị trường dịch vụ mới cho các nhà cung cấp trên cả hai thị trường. Mục tiêu của hiệp định là tăng kim ngạch thương mại song phương lên 45 tỷ USD trong 5 năm tới (hiện ở mức 27,5 tỷ USD), với trọng tâm là tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu. 
Thỏa thuận cung cấp khả năng tiếp cận thị trường miễn thuế cho hơn 6.000 lĩnh vực rộng lớn của Ấn Độ, bao gồm dệt may, da, đồ nội thất, đồ trang sức và máy móc. Trong lĩnh vực dịch vụ, một số ưu đãi chính từ Australia như hạn ngạch cho đầu bếp và giáo viên yoga; thị thực làm việc sau nghiên cứu 2-4 năm cho sinh viên Ấn Độ trên cơ sở đối ứng; công nhận lẫn nhau về các dịch vụ chuyên nghiệp và các ngành nghề được cấp phép khác và sắp xếp thị thực làm việc và kỳ nghỉ cho các chuyên gia trẻ.
Australia cũng đã đồng ý sửa đổi luật trong nước để ngừng đánh thuế thu nhập ở nước ngoài của các công ty Ấn Độ cung cấp dịch vụ kỹ thuật và công nghệ thông tin. Điều này cho phép các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ mở rộng quy mô hoạt động tại Australia. Australia đã đánh thuế thu nhập tạo ra từ các dịch vụ công nghệ thông tin ở nước ngoài do Ấn Độ cung cấp dưới dạng tiền bản quyền, ngay cả khi thu nhập tương tự cũng bị đánh thuế ở Ấn Độ. Sự bất thường trong Hiệp ước tránh đánh thuế hai lần (DTAA) năm 1991 giữa hai nước khiến các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD kể từ năm 2012. 
Theo văn bản IndAus ECTA, cả hai nước thành lập một tiểu ban đàm phán, và trong vòng 75 ngày kể từ ngày ký hiệp định này, tiểu ban đàm phán bắt đầu đàm phán về các sửa đổi đối với hiệp định, không cơ sở định kiến, trên các lĩnh vực bao gồm tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, một lịch trình quy tắc hoàn chỉnh cho từng sản phẩm, chương thương mại kỹ thuật số và chương mua sắm chính phủ. IndAus ECTA là bước đệm để hai nước tiến tới Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện Australia-Ấn Độ (CECA) dự kiến hoàn thành đàm phán vào cuối năm nay. Kể từ khi quan hệ song phương được nâng lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) vào năm 2020, cam kết của cả hai bên đã tăng cường trên nhiều nền tảng và lĩnh vực, tập trung vào việc xây dựng các cam kết và hành động hữu hình, nhằm hướng tới quan hệ đối tác cùng có lợi.
Với cuộc bầu cử liên bang Australia chỉ còn vài tuần nữa, Thủ tướng Scott Morrison với thỏa thuận lịch sử này đã khẳng định cam kết của chính phủ của ông trong việc xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và an ninh của Australia bằng cách tập trung vào nhu cầu đa dạng hóa kinh tế và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế. Thỏa thuận thương mại là sự phản ánh cụ thể về tham vọng của Australia trong việc xây dựng một mối quan hệ kinh tế gắn bó với Ấn Độ - nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới và tìm kiếm những cơ hội mà Ấn Độ mang lại. 
Đối với những người phản đối, việc ký kết thỏa thuận thương mại cũng là một bài học về "sự kiên nhẫn chiến lược" và "thời cơ đúng lúc", một tuyên bố về tham vọng địa chiến lược và kinh tế mới. Hai nước đã thể hiện cách tiếp cận tổng thể để thúc đẩy quan hệ Australia-Ấn Độ ở cấp độ chính trị với việc tuyên bố tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Australia là quốc gia thứ ba mà Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm được thể chế hóa để đánh giá thường xuyên quan hệ song phương.
Ở cấp độ kinh tế, việc Chính phủ Australia phát hành Chiến lược Kinh tế Ấn Độ cập nhật đến năm 2035, đưa ra lộ trình hợp tác kinh tế song phương hậu COVID-19, tập trung vào đầu tư để tăng cường mối liên kết với các chính sách quan trọng của Ấn Độ. Australia cũng đầu tư hơn 280 triệu USD vào các sáng kiến thúc đẩy quan hệ kinh tế và văn hóa sâu sắc hơn bao gồm quan hệ đối tác "thép xanh" - khoáng sản quan trọng, hợp tác trong đổi mới và phát triển công nghệ, đầu tư vào không gian. Một nội dung đáng chú ý khác là các cam kết chủ động của Bộ trưởng, biên bản ghi nhớ và cam kết tìm kiếm các giá trị được chia sẻ và quan hệ đối tác đáp ứng nhu cầu chung.
Australia và Ấn Độ cũng đã khởi động Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Australia - Ấn Độ, nhằm thúc đẩy đầu tư hai chiều vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các mục tiêu song phương về thương mại và đầu tư rộng lớn hơn. Cả hai quốc gia cũng đã quyết định tập trung vào sản xuất và triển khai các công nghệ năng lượng Mặt Trời và hydro xanh với chi phí cực thấp, như một phần của quan hệ đối tác công nghệ phát thải thấp. Trọng tâm của hai nước là có một chiến lược tăng trưởng kinh tế và chiến lược rộng lớn hơn, cùng với cách tiếp cận toàn diện giúp tăng cường hiểu biết và đánh giá cao lẫn nhau.
Cả Australia và Ấn Độ đều mong muốn tối đa hóa các lựa chọn và cơ hội cho các nhà sản xuất và các lĩnh vực công nghiệp. IndAus ECTA cho thấy sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc hội nhập kinh tế toàn cầu với các quốc gia trên cơ sở các thỏa thuận có đi có lại, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Ấn Độ đang ở một vị thế mạnh và sẵn sàng đàm phán theo các điều khoản của riêng mình, để bảo vệ lợi ích của các bên liên quan trong nước (thương nhân, nhà sản xuất, công ty vừa và nhỏ...).
Thỏa thuận thương mại gần đây cũng sẽ hỗ trợ thay đổi nhận thức trong thế giới phát triển vốn luôn coi Ấn Độ là "nước theo chủ nghĩa bảo hộ" và những hoài nghi xung quanh khả năng Ấn Độ có mở cửa kinh doanh với thế giới hay không. Trong nước, có nhiều quan điểm cho rằng mức độ mà Ấn Độ mở cửa cho thương mại toàn cầu sẽ xác định mức độ mà nước này có thể thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, làm cho các ngành công nghiệp trong nước cạnh tranh, khuyến khích các nước khác sản xuất tại Ấn Độ và thúc đẩy sản lượng kinh tế.
Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ của Australia với Ấn Độ cũng sẽ mở đường cho một cấu trúc kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn, không chỉ dựa trên các dòng chảy hàng hóa, vốn đầu tư và con người, mà dựa trên cơ sở xây dựng năng lực kết nối, hợp tác, cam kết bền vững và sự phụ thuộc lẫn nhau xuyên quốc gia và tiểu vùng.

Đây cũng là cơ hội để Ấn Độ trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mục tiêu về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ không hoàn thành nếu không có sự hiện diện của nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh này trong APEC.

Điều đó cũng nâng cao hơn nữa vai trò của Ấn Độ trong quản trị toàn cầu, khuyến khích cải cách kinh tế lớn hơn, cải thiện khả năng cạnh tranh trong nước và hội nhập kinh tế khu vực nói chung. Ngoài ra, với việc quan hệ song phương Australia-Ấn Độ ngày càng sâu sắc, Australia có thể tìm cách khởi xướng vận động hành lang hỗ trợ Ấn Độ trở thành thành viên APEC.
Ấn Độ đã đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần xuất khẩu hàng hóa thế giới và 7% xuất khẩu dịch vụ vào năm 2025. IndAus ECTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương pháp tìm kiếm thị trường của cả hai quốc gia, hỗ trợ xây dựng thương hiệu Ấn Độ và thương hiệu Australia tại các thị trường tương ứng và phát triển niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, việc tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức còn tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục