Thoả thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử EU

20:07' - 11/07/2017
BNEWS Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực kể từ năm 2019.

Trang mạng của Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế quốc gia mang tên Primakov, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga ngày 10/7 đã đăng tải bài viết về việc Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký thoả thuận về Hiệp định thương mại tự do song phương.

Hồi tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker công bố đã đạt được sự nhất trí "trên nguyên tắc" về thỏa thuận thương mại tự do trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hamburg, Đức.

Đây sẽ là thoả thuận thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử của EU, đồng thời thoả thuận này cũng ràng buộc các bên với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Các văn bản cuối cùng của thỏa thuận trên đang được hoàn thiện để ký kết vào cuối năm 2017, sau đó hai bên sẽ bắt đầu các thủ tục phê chuẩn. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực kể từ năm 2019 và sẽ tạo ra khu mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với tổng dân số 639 triệu người, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Thỏa thuận trên có ý nghĩa đối với từng thành viên tham gia: với Nhật Bản thì EU là đối tác thương mại quan trọng thứ ba; còn đối với EU, Nhật Bản đứng vị trí thứ sáu về trao đổi thương mại. Hai bên đều nhấn mạnh rằng thỏa thuận sẽ mang đến những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế EU và Nhật Bản.

Sau khi gỡ bỏ các rào cản thương mại, theo ước tính sơ bộ, xuất khẩu của các quốc gia thành viên EU sang Nhật Bản sẽ tăng lên 32,7%. Và ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường EU sẽ tăng 23,5%.

Châu Âu sẽ nhận được những lợi ích cụ thể đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản và các sản phẩm dinh dưỡng.

Trong thời gian chuyển tiếp kéo dài tới 15 năm, Nhật Bản sẽ gỡ bỏ khoảng 85% các loại thuế nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản truyền thống của EU, cụ thể là rượu vang, thịt lợn đã qua chế biến, pho-mát, và thịt bò.

Tokyo cũng chấp nhận giữ nguyên thương hiệu các sản phẩm EU trên lãnh thổ của mình như pho-mát “Roquefort”, giăm-bông “Ardennes”, “Vodka Ba Lan” và nhiều loại khác.

Tuy nhiên, Nhật Bản đánh đổi việc tự do hoá thị trường thực phẩm của mình để nhận lại những lợi thế đáng kể như: sau giai đoạn chuyển tiếp khoảng 7 năm, nước này sẽ được tự do tiếp cận thị trường ô tô của EU.

Thỏa thuận trên cũng xem xét việc tự do hoá thị trường dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, giao thông vận tải, thương mại điện tử. Các công ty châu Âu sẽ được gỡ bỏ các rào cản trong việc tiếp cận thị trường để cung cấp hàng hoá cho 48 thành phố lớn nhất của Nhật Bản, bao gồm cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực giao thông đường sắt vốn đóng vai trò quan trọng tại thị trường nội địa.

Quá trình đàm phán về thoả thuận trên đã bắt đầu từ mùa Xuân năm 2013 nhưng trong một thời gian khá dài không thu hút được sự chú ý. Bởi trên thực tế, cùng thời điểm đó cũng diễn ra quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU với Mỹ và Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Canada (CETA).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục