Thoát khỏi mê cung, Brexit thẳng tiến!

20:20' - 13/12/2019
BNEWS Kết quả kiểm phiếu được 649/650 đơn vị cử tri địa phương công bố cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson dẫn đầu với 364 ghế, tăng 47 ghế so với số ghế mà đảng này nắm giữ trước bầu cử.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London ngày 13/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Một đêm không ngủ đối với người dân Anh, đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 trong vòng hơn 4 năm qua, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã giành được chiến thắng lịch sử, nắm được đại đa số ghế để thành lập tân chính phủ.

Đây có thể là một sự thở phào đối với nhiều người vì ít ra nước Anh sắp kết thúc được giai đoạn một của tiến trình Brexit - đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - cho dù nguy cơ một cuộc khủng hoảng Brexit mới cũng bắt đầu lấp ló khi Anh và EU bước vào tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do trong năm 2020.

Kết quả kiểm phiếu được 649/650 đơn vị cử tri địa phương công bố cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson dẫn đầu với 364 ghế, tăng 47 ghế so với số ghế mà đảng này nắm giữ trước bầu cử.

Các đảng khác như Công đảng được 253 ghế (giảm 59 ghế),  đảng Dân tộc Scotland (SNP) được 48 ghế (tăng 13 ghế); đảng các đảng Dân chủ-Tự do (Lib/Dem) kiểm soát 11 ghế (giảm 1 ghế), đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ở Bắc Ireland  được 8 ghế (giảm 2 ghế); đảng Brexit không có ghế nào.

Thủ tướng Johnson tuyên bố Brexit không còn là một quyết định gây tranh cãi nữa của người dân Anh sau kết quả chiến thắng lịch sử của đảng Bảo thủ. Trong khi đó, với thất bại nặng nề của Công đảng, ông Jeremy Corbyn đã tuyên bố sẽ không dẫn dắt Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử tới.

Theo ông, Công đảng cần thời gian "để suy ngẫm" và ông sẽ tiếp tục tạm thời lãnh đạo đảng trong thời gian này.

Lãnh đạo của đảng Lib/Dem Jo Swinson thậm chí còn không trúng cử tại đơn vị bầu cử của mình ở East Dunbatonshire, nên đã tuyên bố từ chức.

Với chiến thắng áp đảo này, đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục nắm giữ vai trò dẫn dắt nước Anh trong 5 năm tới hoặc có thể còn lâu hơn nữa.

Cuối cùng thì tiến trình Brexit đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Với lợi thế số ghế nhiều hơn quá bán rất lớn tại quốc hội, Thủ tướng Johnson sẽ dễ dàng thông qua các kế hoạch của chính phủ tại Hạ viện nhằm thúc đẩy nhanh quá trình thông qua Brexit. Đó là đem dự luật thỏa thuận rút khỏi EU trở lại Hạ viện trước Giáng sinh và đưa Anh rời EU vào ngày 31/1/2020.

Đây là bước khởi đầu cho tiến trình chuyển giao, tân chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng sẽ nhanh chóng  tiến hành đàm phán thỏa thuận tự do thương mại với EU ngay sau khi Anh rời EU vào 31/1/2020.

Thủ tướng Johnson sẽ " nhiều đất hơn" để thực thi quyền lực trong thực hiện Brexit.  Ông sẽ không nhất thiết phải đáp ứng yêu cầu của nhóm ủng hộ "Brexit cứng" cực đoan trong đảng Bảo thủ, lèo lái tiến trình đàm phán thỏa thuận tự do thương mại với EU theo cách mà ông muốn, không phải chịu sức ép  mặc cả, thỏa thuận nào đến từ các phe phái tại Hạ viện nữa.

Chiến thắng cũng sẽ cho ông nhiều cơ hội hơn để hướng đảng Bảo thủ tới các chính sách "một dân tộc", tăng chi tiêu công và đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa đảng Bảo thủ gần về trung hữu hơn.

Quan hệ Anh và EU dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Johnson trong nhiệm kỳ tới sẽ là mối quan hệ " lỏng lẻo hơn" so với đề xuất trước đây của cựu Thủ tướng Theresa May.

Điểm nhấn trong phác thảo tương lai quan hệ Anh - EU của Thủ tướng Johnson đó là Anh sẽ lấy lại quyền kiểm soát về mặt pháp luật.

Điều này có thể được hiểu là những thỏa thuận sắp đặt về "sân chơi bình đẳng" đối với vấn đề các tiêu chuẩn môi trường và lao động mà EU yêu cầu như những điều kiện tiên quyết để có thể được một thỏa thuận thương mại toàn diện và có chiều sâu với Anh sẽ không được đảng Bảo thủ hứa hẹn đáp ứng.

Quan điểm của đảng Bảo thủ trong xác lập các mối quan hệ tương lai với EU sẽ dựa trên nguyên tắc Anh sẽ lấy lại quyền kiểm soát của mình đối với các vấn đề liên quan pháp luật, tiền tệ, chính sách thương mại và vấn  đề nhập cư.

Tuy nhiên, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson nói rõ quan điểm là sẽ nâng cao các tiêu chuẩn của họ đối với các lĩnh vực như quyền của người lao động, phúc lợi xã hội cho động vật, vấn đề nông nghiệp và môi trường. Đây được cho là mở đường cho những thiện chí đáp ứng một số yêu cầu từ EU.

Những đề xuất của Thủ tướng Johnson về tương lai quan hệ với EU đối với thỏa thuận tự do thương mại có thể hiểu giống như mô hình hợp tác giữa EU và Canada hiện nay nhưng "ít toàn diện hơn" so với thỏa thuận thương mại của Canada với EU.

Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn tại trung tâm kiểm phiếu ở Islington, bắc London. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc đảng Bảo thủ thắng lớn tại cuộc bầu cử cũng là một kết quả mà các nhà lãnh đạo EU mong đợi. Vấn đề không phải là EU ủng hộ Bảo thủ hay Công đảng, mà họ mừng vì thấy con đường Brexit phía trước trở nên rõ ràng hơn và tình trạng bất định lâu nay sẽ chấm dứt.

Một kỳ vọng nữa mà giới chức lãnh đạo EU đang trông đợi đó là với việc thắng áp đảo, Thủ tướng Johnson phớt lờ những yêu cầu của những người thuộc phái hoài nghi châu Âu cực đoan trong đảng mình, và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với châu Âu.

Tuy con đường Brexit trở nên rõ ràng hơn trước, điều này không có nghĩa tiến trình Brexit 2020 sẽ diễn ra "xuôi chèo mát mái".

EU luôn tỏ rõ quan điểm  kiên quyết sẽ không để cho Anh hào phóng tiếp cận thị trường EU nếu như ông Johnson cứ khăng khăng với kế hoạch sẽ đưa ra các quy định thương mại, môi trường  khác nhiều so với những quy định, tiêu chí hiện hành của EU.

Đối với EU và nhiều chuyên gia Anh, việc đạt được thỏa thuận tự do thương mại với EU trong vòng chưa đầy 1 năm là điều không thể.

Do vậy, Anh có thể không đạt được thỏa thuận tự do thương mại với EU, hoặc là sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận thương mại có giới hạn. Nếu điều này xảy ra thì Brexit lại bước vào một cuộc khủng hoảng mới có thể là vào cuối năm 2020.

Thủ tướng Johnson muốn thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sẽ gồm những điểm căn bản như thỏa thuận này nằm ngoài thị trường đơn lẻ EU và liên minh thuế quan EU, và hoàn toàn tự do tách khỏi các quy chuẩn của EU.

Những tham vọng này càng khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn và hạn chế  để Anh có thể tiếp cận một số thị trường EU chủ chốt.

Đối với vấn đề tương lai của Liên hiệp Vương quốc Anh, việc đảng Bảo thủ giành chiến thắng đại đa số tại Hạ viện sẽ khiến đảng Dân tộc Scotland (SNP) - vốn có quan điểm chống Brexit - nắm giữ ghế đại diện của mình tại vùng phía Bắc đường biên giới sẽ tăng sức ép về cuộc trưng cầu dân ý độc lập Scotland lần hai.

Mặt khác, thỏa thuận rút khỏi EU của ông Johnson tạo ra đường biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh, sẽ kích động những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland đòi tiến hành trưng cầu dân ý về thống nhất Bắc, Nam trên đảo Ireland.

Tuy nhiên,  Thủ tướng Johnson đã bác lại ý kiến về vấn đề trưng cầu dân ý độc lập Scotland trong phát biểu sau khi kết quả kiểm phiếu công bố.

Thủ tướng Johnson đã làm được điều ông muốn đó là đưa đảng Bảo thủ quay trở lại nắm quyền chi phối tại Hạ viện, lập lại trật tự, quyền lực thực sự của thủ tướng và chính phủ tại Hạ viện.

Với kết quả bầu cử này, tình trạng tê liệt chính trị của nước Anh trong 3 năm qua sẽ chấm dứt. Bất luận con đường Brexit dẫn đến một tương lai tốt hay xấu cho nước Anh, việc tiến trình Brexit thoát khỏi mê cung, vẫn là một tin vui cho tất cả.

Việc đảng Bảo thủ giành lại được nhiều ghế đại diện cử tri tại các khu vực nghèo ở nước Anh cho thấy Bảo thủ tiến đến đại diện quyền lợi cho cả tầng lấp trung lưu bậc thấp và những người lao động, hướng tới "đảng Bảo thủ của chung dân tộc",  thay đổi bản chất của đảng Bảo thủ theo hướng xã hội ôn hòa.

Cuộc tổng tuyển cử năm 2019 thực sự là cuộc bầu cử được cho là sẽ định hình nước Anh trong tương lai, đặt dấu chấm hết cho việc nước Anh như là một quốc gia thành viên EU.

Thách thức to lớn của đảng Bảo thủ lúc này là làm sao xây dựng được vị thế mới của nước Anh trên bản đồ địa chính trị thế giới, cũng như hoạch định đường hướng phát triển kinh tế của Anh trong nhiều thập kỷ tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục