Thoát ly tư duy kinh doanh trên phương diện giá cả - tiền - hàng

12:30' - 03/02/2022
BNEWS Qua đại dịch, doanh nghiệp nhận thấy, các chính sách của nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ tdoanh nghiệp tiếp cận công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm.

Không chỉ tập trung đưa các sản phẩm tươi như thanh long, xoài, sầu riêng… sang các thị trường như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu phân phối Sun Hee dc group (Sun Hee) cũng gia tăng chế biến để tăng giá trị cho nông sản Việt vươn tầm thế giới; đồng thời giúp người nông dân có được kế hoạch sản xuất ổn định trước mọi biến cố của thị trường.

 

Khi toàn thế giới, tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại trước đại dịch COVID-19, Sun Hee cũng không nằm ngoài câu chuyện đó.

Dịch tác động mạnh mẽ đến yếu tố giá thành sản xuất, chi phí logistics… đã làm cho sản phẩm tăng giá rất cao, so với thu nhập và sức mua của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng nhận thấy, mọi thói quen tiêu dùng cũng thay đổi.

Đang tập trung vào các sản phẩm như thanh long, xoài, sầu riêng cho một số thị trường như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nhưng khi dịch COVID-19 làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, cước vận chuyển đường biển và đường hàng không tăng cao khiến cho Sun Hee cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trở tay không kịp.

Đồng thời sự quá tải tại các cảng biển trên thế giới, cũng làm cho thời gian thông quan sản phẩm lâu hơn so với dự kiến.

Chính vì vậy nhiều loại trái cây không thể chịu được thời gian bảo quản dài và ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã. Điều này làm cho tính cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt giảm đi nhiều so với các sản phẩm đến từ các quốc gia khác có lợi thế về vận chuyển và công nghệ bảo quản tiên tiến.

Đa số các nhà xuất khẩu nông sản trong nước đều chuyển hướng sang đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng các chuỗi và hệ thống bán hàng truyền thống, nhằm giải toả phần nào khối lượng sản phẩm bị ùn ứ do việc không thể xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng chuyển dần sang nghiên cứu và đầu tư cho các công nghệ bảo quản sản phẩm, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Những sản phẩm mang lại giá trị cao, đáp ứng xu thế hiện nay của thị trường như: trái cây sấy (dẻo, giòn), bột trái cây… đã được doanh nghiệp tập trung đầu tư chế biến. Doanh nghiệp cũng tiếp tục xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, phục vụ cho nhu nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Sun Hee chia sẻ, qua đại dịch này, doanh nghiệp nhận thấy, các chính sách của nhà nước, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận về công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu sản phẩm.

Đây là khâu quan trọng để nâng cao giá trị cho nông sản và kéo dài thời gian bảo quản, bán hàng, tạo nên sự cạnh tranh đối với những sản phẩm cùng loại đến từ nhiều quốc gia khác.

Hướng đến là các sản phẩm chế biến sâu, gia tăng giá trị từ nguồn nguyên liệu trong nước và xu thế tiêu dùng mới, công ty đã hướng tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng, như hạn chế tối đa việc sử dụng đường trong việc chế biến và bảo quản sản phẩm, mà thay vào đó là những sản phẩm thiên nhiên, tốt cho sức khoẻ và không chất bảo quản như: nước gạo, nước ép trái cây các loại, nước ion kiềm…

Tất cả được chế biến từ vùng nguyên liệu thực hành tốt có tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP…. và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Hướng tới sản xuất sản phẩm thị trường cần, bà Hồ Thị Ngọc chia sẻ, tháng 9 hàng năm, Sun Hee sẽ họp cùng với đối tác là chuỗi 250 siêu thị tại Mỹ và 1.000 nhà hàng để cập nhật nhu cầu và sản lượng tương ứng cho năm tới về từng loại chủng sản phẩm. Từ đó công ty lên kế hoạch sản xuất cho các trang trại, đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Qua đại dịch COVID-19, cộng thêm những khó khăn trong xuất khẩu nông sản qua biên giới cuối năm 2021, ngành nông nghiệp cũng xác định phải chú trọng hơn trong chế biến để nông sản Việt từng bước vững tin hơn trước những biến cố thị trường bất thường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có, hoặc còn thiếu công suất chế biến với mục tiêu năm 2022, giá trị gia tăng lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản tăng 9%.

Bà Hồ Thị Ngọc cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ thông minh, vận hành dựa trên trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp phát triển nguồn nguyên liệu nông sản giá trị cao và chất lượng để xuất khẩu, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược liệu.

Thời gian tới, công ty sẽ mở rộng và phát triển mô hình đến các địa phương để tích hợp canh tác nông nghiệp công nghệ cao và kết hợp với du lịch nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp đa giá trị.

Khách du lịch có thể tham quan, trải nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho việc canh tác và sản xuất, đồng thời thưởng thức những sản phẩm an toàn, giá trị cao như: sâm tươi, dâu, việt quất…

Từng giải pháp trong từng khâu trong chuỗi sản xuất được đưa ra đã giúp doanh nghiệp cũng từng bước khắc phục để ổn định sản xuất và thích nghi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cũng  không ngừng nỗ lực để tiếp cận và tìm nhiều thị trường khác nhau cho nông sản Việt, đặc biệt là hướng đến những thị trường lớn và tiêu chuẩn cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, bà Hồ Thị Ngọc chia sẻ.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh kênh tiêu thụ trong nước với các sản phẩm chế biến, doanh nghiệp vẫn chú trọng đưa các sản phẩm nông sản Việt ra thị trường thế giới, nỗ lực tìm kiếm những thị trường với dung lượng tiêu thụ lớn và ổn định.

“Thoát ly tư duy kinh doanh trên phương diện giá cả - tiền - hàng, doanh nghiệp nỗ lực hướng đến đưa sự hợp tác thương mại giữa Sun Hee với các đối tác bằng việc tích hợp những giá trị về văn hoá, lịch sử và con người của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trên mỗi sản phẩm”, bà Hồ Thị Ngọc chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục