Thời cơ của ngành ngân hàng

13:18' - 02/06/2018
BNEWS Ngành ngân hàng nói chung cũng như lĩnh vực thanh toán nói riêng tại Việt Nam đã và đang chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Cùng với đó sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (Fintech) đã và đang đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành ngân hàng.

Số lượng ngân hàng số ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thị trường nội địa với quy mô dân số lớn, tỷ lệ người sử dụng điện thoại và internet cao được nhìn nhận là thời cơ giúp các ngân hàng Việt Nam có thể khai thác rất lớn hiệu quả của ngân hàng số khi dịch vụ bán lẻ còn quá nhiều tiềm năng. Bởi so với thị trường những nước tiên tiến, số lượng ngân hàng số ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa.

Cũng trong thời gian qua và ngay thời điểm hiện tại, điều đáng ghi nhận là các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính đã dành nhiều quan tâm để phát triển mảng dịch vụ này với việc loại bỏ các giao dịch truyền thống để chuyển đổi giải pháp corebanking (công nghệ phần mềm lõi) nhằm hỗ trợ tốt cho định hướng phát triển ngân hàng số.

Thạc sĩ Ngô Kim Thanh, Học viện Ngân hàng dự báo, trong một năm tới, phần lớn doanh thu của các ngân hàng bán lẻ nhờ vào website, điện thoại di động và ứng dụng trên các máy tính bảng. Đặc biệt sẽ có sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng của khách hàng theo hướng thích trải nghiệm, do đó các ngân hàng trong nước phải nắm bắt và thay đổi theo xu thế cải thiện khả năng ứng dụng trên di động, phát triển hỗ trợ dịch vụ qua internet để tăng cường chăm sóc khách hàng.

Theo Thạc sĩ Ngô Kim Thanh, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi các dịch vụ cung ứng của Ngân hàng Nhà nước từ chủ yếu xử lý thủ công sang môi trường điện tử hoàn toàn.

Ngoài ra, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống và trải nghiệm khách hàng đang dần trở thành xu hướng vượt trội.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và tương tác, kéo theo sự thay đổi trong kênh phân phối, mạng lưới bán hàng và cách thiết kế sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Như vậy thời gian tới phần lớn doanh thu của ngân hàng bán lẻ là nhờ vào các trang website, diện thoại di động hay ứng dụng trên máy tính bảng.

"Với sự phát triển chóng mặt của cách mạng công nghệ 4.0, xu hướng ngân hàng không giấy sẽ trở nên phổ biến, là thách thức của ngành ngân hàng trong việc giảm dần vai trò các chi nhánh. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng sẽ dần chấm dứt, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại", ông Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng trường Đại học tài chính Maketting nói.

Theo ông Hoàng Đức Long các ngân hàng cũng cần quan tâm đến việc phát triển các thiết bị tự phục vụ. Trên thực tế tốc độ suy giảm số lượng chi nhánh ngân hàng bắt đầu gia tăng từ khoảng giai đoạn 2013 – 2016 khi hành vi của khách hàng chuyển sang yêu thích các kênh giao dịch kỹ thuật mà trung tâm là các thiết bị màn hình và điện thoại di động.

Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến nay có 4 rủi ro lớn đối với hệ thống thông tin tại các ngân hàng của Việt Nam. Đó là hạ tầng công nghệ, vận hành hệ thống (thao tác sai), do khách hàng và đạo đức, nghiệp vụ của cán bộ ngân hàng. Theo đó, rủi ro về hạ tầng công nghệ chỉ chiếm 20%, còn chủ yếu là do vận hành và khách hàng là 80%.

Do vậy, theo ông Lê Mạnh Hùng, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện song song giữa chính sách và công nghệ, xử lý lỗ hổng về quy trình, công nghệ… tìm các giải pháp ngăn ngừa, chống tội phạm.

Theo ông Dư Xuân Vũ, Giám đốc Khối công nghệ Ngân hàng, Ngân hàng Phương Đông, việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi diện mạo các ngân hàng trong thời gian tới. Điều này xuất phát từ nội tại các ngân hàng thấy được sự cần thiết mang lại nhiều lợi ích trong thực hiện số hóa.

cách mạng công nghệ 4.0 sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi các dịch vụ cung ứng

Ghi nhận trên thị trường các ngân hàng cũng cho thấy, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng đang đầu tư khoản lớn để làm thay đổi diện mạo vì hệ thống mới sẽ là công cụ hữu hiệu để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng.

Một số ngân hàng đã nâng cấp hệ thống corebanking và liên tục cải tiến các phương thức thanh toán mới. Như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã cải tiến các phương thức thanh toán qua mạng lưới ngân hàng điện tử iPay, eFast… Triển khai nhiều tính năng mới qua kênh ngân hàng điện tử như nộp thuế điện tử, mua vé xem phim trên ứng dụng, kích hoạt và khóa thẻ online, tích lũy điểm thưởng cho khách hàng thân thiết.

Hay như Ngân hàng Phương Đông Việt Nam (OCB) cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng OCB cho biết, ngân hàng đang nỗ lực cải tiến chất lượng dịch vụ theo hướng công nghệ số. OCB đặt mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng số tốt nhất Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.

Lãnh đạo ngân hàng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) cũng khẳng định đã thông qua chiến lược 5 năm 2018 – 2022; trong đó có mục tiêu củng cố vị trí dẫn đầu trong chiến lược bán lẻ và ngân hàng số, đón đầu các xu hướng công nghệ ngân hàng mới.

Riêng trong năm 2018, VPbank duy trì tăng trưởng chất lượng trên các phân khúc thị trường chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro đáp ứng các yêu cầu phát triển chiến lược ngân hàng số một cách mạnh mẽ nhất.

Giới chuyên gia cho rằng, với bối cảnh cách mạng công nghệ phát triển như vũ bão chắc chắn sẽ giúp nhiều người lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ tài chính với tốc độ nhanh hơn nhiều mô hình tài chính truyền thống. Song khi sử dụng công nghệ, khoa học vào dịch vụ tài chính ngân hàng luôn đối diện với các rủi ro trong quá trình sử dụng như rủi ro dừng hoạt động hệ thống, mất tiền do lộ, lọt mật khẩu, thách thức cơ quan quản lý về kiểm soát hệ thống, phòng chống rửa tiền…

Tiến sỹ Cấn Văn Lực đánh giá, rủi ro của ngân hàng có tác động của công nghệ cũng rất cao, chiếm từ 40 – 45%. Vì vậy, cần sớm có hành lang pháp lý để dịch vụ ngân hàng hiện đại, chẳng hạn như ngân hàng số yên tâm phát triển mô hình này trong tương lai.

Phần lớn các ý kiến chuyên gia cũng đều cho rằng ngành ngân hàng phải đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin của khu vực; trong đó nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ cách mạng công nghệ 4.0./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục