Thời của thanh toán chạm và "vẩy" thẻ

14:20' - 16/06/2020
BNEWS Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng giảm sử dụng tiền mặt, thay vào đó là các thanh toán kỹ thuật số qua công nghệ không tiếp xúc (contactless).

Khảo sát mới nhất của Tổ chức thẻ Visa về hành vi thanh toán của người tiêu dùng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng giảm sử dụng tiền mặt, thay vào đó là các thanh toán kỹ thuật số qua công nghệ không tiếp xúc (contactless).

Với công nghệ này, người dùng chỉ cần đặt gần, chạm hoặc vẩy nhẹ thẻ, điện thoại hoặc các thiết bị đeo vào thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS) có tính năng thanh toán chạm là có thể hoàn tất giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Đơn cử như dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt lại càng được khuyến khích và thúc đẩy nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần phòng, chống virus lây lan.

Theo khảo sát, hiện có 37% người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng phương thức thanh toán thẻ không tiếp xúc. Trong số này, có đến 42% người dùng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động và 85% người dùng sử dụng phương thức này ít nhất một lần/tuần.

Đối với người chưa từng thanh toán không tiếp xúc, khảo sát cũng đưa ra một con số khả quan khi 4 trong 5 người được hỏi bày tỏ sự quan tâm tới phương thức này. Thậm chí, một số loại hình mới như thanh toán sinh trắc học: xác thực bằng vân tay, giọng nói... cũng thu hút hơn 80% người tiêu dùng quan tâm.

"Đặc biệt, điểm nhấn của công nghệ này là do không dùng thẻ tiếp xúc trực tiếp với thiết bị thanh toán và chủ thẻ vẫn giữ thẻ khi thanh toán nên thông tin được bảo mật tối đa. Thêm vào đó, với những hóa đơn có giá trị nhỏ từ 400.000 đồng trở xuống, chủ thẻ không cần ký xác nhận”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết.

Dẫn đầu mạng lưới chấp nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc nói trên phải kể tới Sacombank khi tiên phong triển khai đối với các thẻ quốc tế từ năm 2017. Đến nay, thẻ contactless đã được áp dụng tại nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)...

Đánh giá về xu hướng trên, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhận định: "Các giao dịch không tiền mặt có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có trải nghiệm tốt hơn, các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc sẽ có thêm nhiều giao dịch từ người tiêu dùng.

Và khi các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hoạt động hiệu quả, người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Đây là một bước đi mà cả hai bên đều có lợi".

Không dừng lại tại đó, nhiều ngân hàng còn phát triển tính năng rút tiền bằng mã QR hay xác thực bằng sinh trắc học tại máy rút tiền tự động ATM. Qua đó, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng và được kỳ vọng là giải pháp cho bài toán chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của hệ thống ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ra mắt tính năng rút tiền bằng mã QR. Theo đó, kể từ tháng 6/2020, chủ thẻ ghi nợ của VietinBank có thể dùng ứng dụng VietinBank iPay Mobile trên thiết bị di động quét mã QR hiển thị tại màn hình ATM để rút tiền mà không cần dùng thẻ.

Trước đó, Sacombank đã cho phép chủ thẻ rút tiền nhanh bằng mã QR qua ứng dụng mCard tại toàn bộ mạng lưới ATM Sacombank trên toàn quốc. Tiếp đến nhiều ngân hàng đã phát triển những ứng dụng riêng cho phép khách hàng rút tiền bằng mã QR như: TPBank với TPBank QuickPay, BIDV với BIDV Pay+...

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), các chủ thẻ có thể rút tiền tại ATM bằng xác thực vân tay mà không cần thẻ truyền thống. Tính năng này cũng được áp dụng với các giao dịch tại quầy mà khách hàng không cần phải mang theo chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hay hộ chiếu.

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chỉ với một chiếc điện thoại di động, người dùng có thể thực hiện nhiều giao dịch ngân hàng như chuyển khoản, thanh toán hay rút tiền tại ATM mà không cần mang theo thẻ. Từ đó, có thể tránh các trường hợp như mất thẻ, làm gãy thẻ hoặc các sự cố nuốt thẻ, nhất là tránh bị kẻ gian lợi dụng sao chép thông tin cá nhân trên thẻ do tính bảo mật khi rút tiền bằng mã QR rất cao.

Không khó để nhận thấy những chuyển đổi tích cực, nhanh chóng của các ngân hàng trong số hóa dịch vụ, sản phẩm. Tuy nhiên, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh và phổ biến hơn vẫn cần sự hợp tác giữa người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan chức năng.

Ông Phan Viết Hải, Giám đốc Công nghệ thông tin Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) chia sẻ: "Cách đây vài năm khi các công ty công nghệ tài chính (Fintech) ra đời, ngân hàng coi Fintech là một trong những đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây ngân hàng cũng đã nhìn nhận họ là một đối tác để hợp tác cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn cho khách hàng".

Cụ thể, VietCapitalBank chủ động kết nối với các ví điện tử ZaloPay, AirPay, Momo... Điều này giúp khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ đang là thế mạnh của Fintech như thanh toán tại các cửa hàng tiện ích như 7eleven, CircleK... mà không phải rút tiền mặt.

Một thế mạnh khác của Fintech là sở hữu lượng lớn người dùng chưa phải là khách hàng của ngân hàng. Với đối tượng khách hàng này, nếu như trước đây họ cần mang tiền tới ngân hàng để chuyển khoản thì nay thông qua kết nối giữa ngân hàng và Fintech, họ có thể chuyển trực tiếp từ ví điện tử đến tài khoản ngân hàng.

"Đó là lợi ích của cả khách hàng cũng như hai bên cung cấp dịch vụ, góp phần giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế", ông Hải khẳng định.

Tuy vậy, ông đánh giá đối với các ví điện tử hay dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) dự kiến sắp được triển khai, thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề là về định danh khách hàng và an toàn trong thanh toán.

"Ngân hàng là ngành hết sức đặc biệt, chúng tôi phải tuân thủ luật và những quy tắc của cả Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế liên quan đến định danh khách hàng để đảm bảo chống rửa tiền, sự an toàn, bảo mật tài sản của khách hàng. Do đó, cần phải có những hành lang pháp lý phù hợp liên quan đến định danh khách hàng và an toàn, bảo mật trong giao dịch", ông Hải nhấn mạnh.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị. Thanh toán qua kênh internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Những tín hiệu tích cực này là động lực để các ngân hàng và công ty Fintech tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tài chính số và thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục