Thời điểm bản lề đối với nền kinh tế Indonesia

06:30' - 12/07/2025
BNEWS Indonesia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các động lực bên ngoài, bao gồm cuộc chiến thuế quan đang diễn ra, đặc biệt là giữa các cường quốc, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Báo Jakarta Post nhận định, triển vọng kinh tế của Indonesia đang gặp phải nhiều lo ngại nghiêm trọng sau khi Trung tâm cạnh tranh thế giới (WCC) của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới (WCR) năm 2025.

Sau một số năm được công nhận vì tiến bộ liên tục trong khả năng cạnh tranh toàn cầu, giờ đây Indonesia đang gặp phải sự đảo ngược. Trong đánh giá gần đây nhất, Indonesia đã tụt 13 bậc, từ vị trí thứ 27 vào năm 2024 xuống vị trí thứ 40 trong số 69 nền kinh tế vào năm 2025. Điều này cho thấy sự suy giảm đáng kể so với những cải thiện ổn định được ghi nhận trong những năm trước, khi quốc gia này tiến từ vị trí thứ 44 trong năm 2022 lên vị trí thứ 34 trong năm 2023.

Sự sụt giảm báo hiệu những lỗ hổng sâu sắc và có hệ thống đã trở nên trầm trọng hơn, do sự kết hợp của những cơn gió ngược toàn cầu và các vấn đề cấu trúc trong nước chưa được giải quyết. Như báo cáo của IMD, được rút ra từ 262 chỉ số định lượng và khảo sát hơn 6.000 giám đốc điều hành trên toàn thế giới, đã nêu rõ Indonesia hiện đang phải đối mặt với một thời điểm quan trọng.

 

Các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và xã hội dân sự phải xem xét các yếu tố dẫn đến sự suy giảm và hành động nhanh chóng để đưa đất nước đi theo quỹ đạo tăng trưởng cạnh tranh và bền vững hơn.

Sức ép bên ngoài và điểm yếu nội tại

Indonesia đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các động lực bên ngoài, bao gồm cuộc chiến thuế quan đang diễn ra. Hậu quả từ căng thẳng thương mại, đặc biệt là giữa các cường quốc, tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi Indonesia trước đây được hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ, bao gồm dầu, khí đốt và dầu cọ, thì sự thay đổi trong nhu cầu toàn cầu và bất ổn địa chính trị đã bộc lộ nguy cơ dễ bị tổn thương của nền kinh tế này.

Tuy nhiên, báo động thực sự nằm ở những điểm yếu nội tại, như những gì được xác định bởi WCR 2025. Indonesia ghi nhận sự suy giảm ở 3 trong 4 trụ cột chính của năng lực cạnh tranh (chỉ số về Hiệu quả của chính phủ, Hiệu quả của doanh nghiệp và Cơ sở hạ tầng). Chỉ có chỉ số về Hiệu suất Kinh tế cho thấy khả năng phục hồi nhẹ, được hỗ trợ đôi chút bởi các chỉ số như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và tăng trưởng thực. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, chỉ số về đầu tư quốc tế cũng suy yếu, phản ánh sự xói mòn lòng tin của nhà đầu tư. Sự phức tạp và tốn kém khi khởi nghiệp vẫn là những mối quan tâm chính.

Giáo dục, nền tảng của năng suất dài hạn, được xếp hạng 62, trong khi các dịch vụ y tế và môi trường của đất nước thậm chí còn tệ hơn, ở vị trí 63. Cũng đáng chú ý là các chỉ số như dự trữ ngoại tệ bình quân đầu người và sức mạnh của hộ chiếu Indonesia, cả hai đều phản ánh uy tín thể chế rộng hơn. Những điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế mà còn tác động đến nhận thức toàn cầu và sự thuận tiện trong việc đi lại của nhân tài và doanh nghiệp.

Những điểm nghẽn của doanh nghiệp và hạ tầng

Điểm số Hiệu quả kinh doanh của Indonesia giảm đáng kể, từ vị trí thứ 14 xuống vị trí thứ 26, làm nổi bật những điểm nghẽn dai dẳng trong khu vực tư nhân. Điểm mấu chốt là sự hạn chế về nguồn lao động nước ngoài. Khi cạnh tranh toàn cầu về nhân tài ngày càng gay gắt, khó khăn trong việc thu hút các chuyên gia nước ngoài và giữ chân những lao động có tay nghề trong nước có thể cản trở sự đổi mới, làm giảm chuyển giao kiến thức và làm chậm quá trình nâng cấp theo ngành.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài chính, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vẫn còn hạn chế. Nhiều SME phải vật lộn để đảm bảo tín dụng có chi phí phải chăng, hạn chế khả năng đầu tư vào công nghệ, đào tạo hoặc mở rộng. Mức năng suất chung của Indonesia, cả về hiệu quả lao động và vốn, cũng tụt hậu so với các nước trong khu vực, do đó làm giảm thêm sức cạnh tranh.

Cơ sở hạ tầng vẫn là điểm yếu dai dẳng. Mặc dù đẩy mạnh đầu tư công vào đường sá, cảng và năng lượng, cơ sở hạ tầng của Indonesia vẫn xếp hạng thấp ở vị trí thứ 57 trong một số chỉ số phụ. Sự kém hiệu quả về hậu cần, phân phối năng lượng không đầy đủ và kết nối kém làm tăng chi phí hoạt động và làm giảm tính linh hoạt của nền kinh tế.

Một chỉ số rõ ràng là tốc độ băng thông Internet trung bình của Indonesia vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 138 Mbps. Trong một nền kinh tế ngày càng số hóa, sự chậm trễ như vậy gây tổn hại đến nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử và công nghệ tài chính đến sản xuất và dịch vụ công. Trong khi đó, sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng khoa học, y tế và môi trường kìm hãm nghiên cứu, đổi mới và phúc lợi xã hội nói chung.

Vấn đề tăng trưởng không đồng đều và giải pháp

Phản hồi khảo sát từ các giám đốc điều hành Indonesia bổ sung thêm một chiều hướng định tính vào bảng xếp hạng. 66,1% số người được hỏi xác định việc thiếu các cơ hội kinh tế là động lực chính của tình trạng phân cực xã hội. Điều này nói lên sự bất bình đẳng về mặt cấu trúc của Indonesia, chẳng hạn như chênh lệch vùng miền, thất nghiệp của thanh niên,...

Dữ liệu chỉ ra một vấn đề sâu xa hơn: tăng trưởng trong những năm gần đây có thể không đủ bao trùm. Nếu không có những cải thiện rộng rãi về mức sống, tạo việc làm và tiếp cận dịch vụ, ngay cả tăng trưởng GDP cao cũng sẽ không chuyển thành khả năng cạnh tranh bền vững.

Để phục hồi sau thất bại này và lấy lại quỹ đạo của mình, Indonesia phải theo đuổi một chiến lược cạnh tranh rõ nét và toàn diện, bao gồm phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế và đơn giản hóa bộ máy hành chính, cải thiện tính minh bạch và hợp lý hóa việc đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa thô và thúc đẩy các dịch vụ giá trị cao, sản xuất và các ngành công nghiệp hạ nguồn. Phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số, năng lượng và hậu cần, phải được đẩy nhanh và thông minh hơn, thu hẹp khoảng cách hiện đang cản trở chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ. 

Cuối cùng, các chính sách tăng trưởng toàn diện phải giải quyết bất bình đẳng, hỗ trợ tạo việc làm và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo lợi ích của phát triển kinh tế được chia sẻ rộng rãi.

Một thành phần đặc biệt quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong khả năng cạnh tranh dài hạn là cạnh tranh thị trường công bằng. Ủy ban Cạnh tranh Indonesia (KPPU) đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động trên một sân chơi bình đẳng, không có các hoạt động độc quyền,... Việc sửa đổi Luật về cạnh tranh là hết sức cần thiết. Khung pháp lý hiện tại, mặc dù mang tính đột phá vào thời điểm đó, nhưng hiện không còn giải quyết được thực tế của các thị trường hiện đại, kỹ thuật số và xuyên biên giới.

Một KPPU được cải cách và trao quyền cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm thị trường minh bạch, dựa trên quy tắc. Quan trọng hơn, ủy ban này sẽ khuyến khích các công ty trong nước đổi mới, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thông qua giá cả cạnh tranh hơn và dịch vụ tốt hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục