Thời điểm hợp lý để ECB bắt đầu hạ lãi suất

05:30' - 08/04/2024
BNEWS Hầu hết các chuyên gia kinh tế và các thị trường tài chính kỳ vọng rằng ECB sẽ lần đầu tiên hạ lãi suất vào tháng Sáu tới, mặc dù bức tranh lạm phát hiện chưa cho thấy xu hướng thật sự rõ ràng.
Theo bài viết trên báo Die Welt của Đức, tỷ lệ lạm phát của kinh tế Đức trong tháng Ba đã giảm xuống mức 2,2%. Đây là tin tốt, cho thấy mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gần kề. Lúc này sẽ là hợp lý nếu ECB sớm cắt giảm lãi suất. Vậy, liệu ngân hàng có thực hiện điều này trong những tháng tới?

Số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho thấy tỷ lệ lạm phát trong tháng Ba năm nay tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này "không còn xa so với mục tiêu trung hạn của ECB". Nhưng chuyên gia Michael Heise, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản HQ Trust, cho rằng không nên vui mừng quá sớm vì đây có thể chỉ là mức thấp tạm thời và có nguy cơ lạm phát sẽ sớm tăng trở lại.

Số liệu của Destatis có vẻ rất đáng khích lệ. Giá năng lượng trong tháng Ba thấp hơn 2,7% so với một năm trước, bất chấp việc trợ giá năng lượng đã kết thúc vào tháng Một và giá khí thải CO₂ cũng tăng từ tháng Một. Trong lĩnh vực thực phẩm, số liệu thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn: Giá thực phẩm giảm 0,7% trong tháng Ba và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng Hai năm 2015.

Chuyên gia kinh tế Timo Wollmershäuser từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo tại thành phố Munich (München, miền Nam nước Đức) cho rằng lạm phát tổng thể sẽ giảm xuống dưới mức 2% từ mùa Hè tới. Dữ liệu mới nhất do Viện Ifo thu thập được cũng củng cố nhận định này. Theo đó, ngày càng ít doanh nghiệp muốn tăng giá hàng hóa, sản phẩm của họ. Chỉ số kỳ vọng giá của Viện Ifo đã giảm xuống giá trị thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Vào tháng 3/2024, chỉ số này là 14,3 điểm, thấp hơn mức 15 điểm của tháng Hai. Trước đó năm 2022, chỉ số này ở mức cao trên 50 điểm.

Chỉ số kỳ vọng giá của Viện Ifo cho thấy tương quan giữa số lượng doanh nghiệp muốn tăng giá và số lượng doanh nghiệp muốn giảm giá. Ở mức hiện tại, số doanh nghiệp có ý định tăng giá vẫn chiếm ưu thế, nhưng số lượng này ngày càng thấp hơn trước.

Nhưng có hai vấn đề đối với việc phân tích dựa vào dữ liệu. Một mặt, dữ liệu không cho biết giá cả sẽ giảm hay tăng bao nhiêu. Mặt khác, kỳ vọng về giá đang giảm, đặc biệt là trong ngành xây dựng, nhưng điều này là do ở đó đang xảy ra khủng hoảng. Ngược lại, trong lĩnh vực sản xuất, thực tế tỷ lệ doanh nghiệp muốn tăng giá lại tăng nhẹ. Và ở nhiều lĩnh vực dịch vụ như ẩm thực, số doanh nghiệp muốn tăng giá vẫn chiếm đa số.

Tất cả những điều này được phản ánh trong một chỉ số ít được chú ý hơn, đó là tỷ lệ lạm phát cơ bản (lạm phát không bao gồm giá lương thực và năng lượng). Theo số liệu của Destatis, tỷ lệ lạm phát cơ bản của kinh tế Đức trong tháng Ba chỉ giảm nhẹ từ 3,4% trong tháng Hai xuống 3,3%. Nói cách khác, xu hướng lạm phát cơ bản cao trong nền kinh tế vẫn chưa bị phá vỡ.

Điều này khiến chuyên gia Michael Heise lo ngại. Theo ông, nếu giá dầu và khí đốt trên thị trường thế giới không giảm mạnh hơn kỳ vọng thì chỉ số giá tiêu dùng tổng thể có thể sẽ tăng nhẹ, ít nhất là ở mức 2,5% trong những tháng tới.

Với Ngân hàng Trung ương châu Âu, con số 2,5% vẫn rất quan trọng. Mục tiêu kiềm chế lạm phát của ECB là ở mức 2%. Tỷ lệ lạm phát cơ bản cũng là yếu tố được xem xét thận trọng, do đó chỉ số này ở Đức vẫn còn khá xa so với mục tiêu.  

 
Có sự khác biệt về lạm phát giữa các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU). Ở Italy, lạm phát đã ở mức dưới 2% kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong tháng Ba, tỷ lệ này chỉ là 1,3%; lạm phát cơ bản là 2,3%, gần đạt mục tiêu của ECB. Nhưng ở Tây Ban Nha, cả lạm phát chung và lạm phát cơ bản đều ở mức 3,2% trong tháng Ba. Theo chuyên gia Heise, mức lạm phát trung bình ở các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng Ba có thể cao hơn so với mức này ở Đức.

Do đó, chuyên gia Heise cho rằng vẫn còn quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất, dù ngành xây dựng Đức nói riêng và ngành công nghiệp Đức và châu Âu nói chung đang rất mong chờ điều này

Nhưng trái ngược với nhận định này, hầu hết các chuyên gia kinh tế khác và thị trường tài chính kỳ vọng rằng ECB sẽ lần đầu tiên hạ lãi suất vào tháng Sáu tới, mặc dù bức tranh lạm phát hiện chưa cho thấy xu hướng thật sự rõ ràng.

Ông Michael Herzum, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược vĩ mô tại công ty Union Investment, cho biết áp lực về giá đang giảm dần, mặc dù chậm hơn so với năm 2023. Do đó ECB có thể mở rộng cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.

Chuyên gia kinh tế Robin Winkler tại ngân hàng Deutsche Bank cũng đồng tình với nhận định trên. Theo ông, lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng xu hướng tích cực ở cả Đức và phần còn lại của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ khuyến khích ECB thực hiện việc cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Áo Robert Holzmann, hiện tại chưa có đủ dữ liệu cần thiết để ECB đi tới quyết định cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 11/4 tới. Các dữ liệu quan trọng về diễn biến tiền lương và lãi suất sẽ chỉ có được vào tháng Sáu. Nếu dữ liệu cho phép, quyết định cắt giảm lãi suất sẽ được đưa ra trong cuộc họp của ngân hàng vào thời điểm đó.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tình hình có vẻ khác biệt hơn. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cần nhiều thời gian hơn trước khi thực hiện giảm lãi suất lần đầu. Trong nhiều tháng, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ luôn cao hơn 3% và chưa có dấu hiệu giảm thêm. Đồng thời, kinh tế Mỹ tiếp tục bùng nổ; các dấu hiệu suy thoái thỉnh thoảng xuất hiện nhưng lại nhanh chóng qua đi. Quá trình phục hồi vẫn đang diễn ra mạnh mẽ và với việc lạm phát vẫn ở mức cao, chưa có lý do nào để Fed cắt giảm lãi suất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục