Thông điệp và hành động

05:31' - 13/06/2016
BNEWS Những thông điệp và hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới đã mở ra thêm nhiều hy vọng cho khu vực kinh tế tư nhân vào sự đổi mới của môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn.
Những thông điệp và hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới đã mở ra thêm nhiều hy vọng cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Những thông điệp và hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới đã mở ra thêm nhiều hy vọng cho khu vực kinh tế tư nhân vào sự đổi mới của môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, những động thái này đang tiếp tục khơi gợi niềm tin vào thị trường và tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân.

Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn và kiểm định xây dựng, doanh nhân Phạm Hải Nam chia sẻ không ít lần đã từng thấy thấy nản, thậm chí có những dự án ông đã phải từ bỏ vì khó mà theo được khi phải thực hiện hàng "núi" thủ tục, chưa kể là những “chi phí không chính thức”.

Giờ thì doanh nhân Nguyễn Hải Nam đang hồ hởi, ông chia sẻ: “Chính phủ nhiệm kỳ mới đã đó nhiều thông điệp và hành động khiến cộng đồng doanh nghiệp yên tâm. Đặc biệt, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cho thấy một Chính phủ quyết tâm hành động.

“Khi biết Nghị quyết 35 chính thức ra đời, anh em doanh nhân chúng tôi ở gần đây đã tụ họp để chia sẻ niềm vui và bàn cho kế hoạch kinh doanh sắp tới vì có niềm tin vào một thị trường sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng vì chúng tôi được Nhà nước nhìn nhận như là một động lực của nền kinh tế, được Nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và tin tưởng vì sẽ có một môi trường kinh doanh thân thiện hơn…” ông Nam chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Tú Vân tại Hà Nội cũng hào hứng: “Nghị quyết số 35 thể hiện quan điểm và mong muốn cùng các giải pháp cụ thể của Chính phủ nhiệm kỳ mới để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, với các hỗ trợ cụ thể từ vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho đến bảo vệ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp,….

Đây là Nghị quyết tốt và nếu thực hiện được thì hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp chúng tôi sẽ rất thuận lợi”.

Sự vui mừng của giới doanh nhân cũng dễ hiểu bởi theo khảo sát của Phòng Thương mại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức trong năm 2015 là 66%, cao hơn các năm trước. Trong khi đó, 65% doanh nghiệp vẫn cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn phổ biến.

Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 19/2016-NĐ/CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập này.

Ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phàn nàn về thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa trong ngành vẫn kéo rất dài và phức tạp. Ông cho biết, Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may) đã thắt chặt và gây tốn chi phí cho doanh nghiệp. Một miếng vải mẫu chuyển từ nước ngoài về, chỉ 5m thôi cũng phải mất tới 138 lần đi kiểm tra theo Thông tư 37.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng phàn nàn, năm 2015 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn bông, tương đương khoảng 50 nghìn container, trong đó khoảng 18 nghìn container bị lấy mẫu kiểm dịch. Với chi phí khoảng 1 triệu đồng cho mỗi mẫu 0,5kg bông, các doanh nghiệp mất khoảng 18 tỷ đồng cho kiểm dịch.

Những tồn tại trong vô vàn những tồn tại khác mà doanh nghiệp kể trên cũng sẽ được dần tháo gỡ bởi những thông điệp và hành động của Chính phủ. Khu vực kinh tế tư nhân kỳ vọng bởi họ có cơ sở khi một Chính phủ hành động đang thể hiện quyết tâm rõ rệt để biến khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chính phủ nhiệm kỳ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay sau nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với thông điệp rõ ràng: Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi chính phủ kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa tái khẳng định thông điệp kiến tạo, phục vụ của Chính phủ mà ông đã chuyển tải trước đó đến cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ nhiệm kỳ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Cùng với đó, Chính phủ sẽ phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho.Chính phủ sẽ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển.

Không chỉ là những thông điệp, Chính phủ đã nỗ lực thể hiện để biến những quyết tâm đó bằng những hành động cụ thể.

Ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Trong đó cũng quy định rõ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư 2014.

Nghị quyết bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền; thực hiện công bố đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.

Tiếp đó, ngày 16/5 Chính phủ đã ra Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đặt rõ mục tiêu Nhà nước tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, khu vực tư nhân đóng góp khoảng gần 50% GDP.

Cùng với đó, việc Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng dự án về Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ cho thấy rõ hành động của Chính phủ trong việc hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển khối doanh nghiệp tư nhân là trụ cột, là xương sống và động lực của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất đối với Chính phủ là hãy hành động, thực hiện tất cả những gì đã nêu trong các nghị quyết với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng, không chỉ Chính phủ quyết liệt mà tinh thần đó cần được “thấm xuống các bộ ngành, địa phương”.

Những thông điệp và hành động của Chính phủ đang tạo niềm tin cho người dân và đặc biệt là khối doanh nghiệp, phát đi thông điệp với thế giới để tạo ra sự chuyển biến khả quan hơn, qua đó có thể giúp Việt Nam vượt qua được những khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2016 - 2020.

Với một Chính phủ hành động và quyết tâm cao cùng các nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân, niềm tin để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đang được củng cố vững chắc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục