Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói gì về sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới?

20:53' - 31/07/2022
BNEWS Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác thời gian qua là phù hợp.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

 

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra gần đây với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác thời gian qua là phù hợp.

Sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào, việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Bên cạnh đó, với câu hỏi chênh lệch giá SJC và ngoài SJC vào túi ai, Thống đốc cho biết nhiều doanh nghiệp vàng đã khẳng định chênh lệch giá vàng không rơi vào doanh nghiệp nào. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.

Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu đồng như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.

Đại diện 1 số doanh nghiệp cũng cho rằng, việc chênh lệch giá vàng không phải mong muốn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; chênh lệch càng lớn hay giá trong nước càng cao rủi ro càng lớn cho chính các đơn vị kinh doanh; cũng không có lợi ích nào của các doanh nghiệp trong câu chuyện chênh lệch giá vàng, đặc biệt khi giá vàng trong nước chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới, không có ai thao túng được thị trường vàng trong nước.

Đối với việc việc khan hiếm vàng miếng lẫn vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp kinh doanh vàng chỉ ra là do cung thiếu, nguyên nhân do chuyển hóa, do xuất khẩu, hoặc cầu lớn hơn cung, mất cân đối cung cầu;

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

Bà Lê Thúy Hằng cũng khẳng định, vấn đề chênh lệch giá vàng công ty SJC hoàn toàn không có lợi, công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu.

Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đồng - gần 400 tỷ đồng/năm tới giờ chỉ đạt từ 74-80 tỷ đồng lãi ròng.

“Như vậy công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố giao để có quỹ lương cho người lao động”, bà Lê Thúy Hằng nói

Cũng theo bà Lê Thúy Hằng, đối với giá vàng trên thị trường, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng.

Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng, không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.

Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện. Tất cả những khuyến mại, hậu mãi của miếng vàng miếng SJC đều thực hiện đúng quy định.

Bà Lê Thúy Hằng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Theo bà Lê Thúy Hằng, vàng miếng SJC vẫn thể hiện được chất lượng, uy tín của mình và được khách hàng lựa chọn. Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục