Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy đánh giá xu hướng lãi suất của ECB

08:36' - 28/02/2023
BNEWS Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy, ông Ignazio Visco cho rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất có thể để đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mức 2%.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV tại Bengaluru, Ấn Độ, bên lề hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 25/2, ông Visco nhấn mạnh hiện không ai thể nói chi phí đi vay sẽ phải cao đến mức nào để đạt được mục tiêu trên.

Theo ông Visco, chính sách sẽ xoay quanh những thay đổi trong nền kinh tế, với lộ trình tương lai sẽ được thiết lập trên cơ sở từng cuộc họp. Ông nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta hiện có thể đưa ra tỷ lệ lãi suất cuối cùng sẽ là bao nhiêu, ngay cả khi nó sẽ là 3,5%, 3,25% hay 3,75%, bởi vì điều đó thực sự phụ thuộc vào dữ liệu. Mục tiêu của chúng tôi là quay trở lại mức lạm phát 2% trong trung hạn. Nếu chúng tôi cần hạn chế hơn, chúng tôi sẽ hạn chế hơn".

 
Các nhà hoạch định chính sách của ECB đã tăng chi phí đi vay kể từ tháng 7/2022, đưa lãi suất tiền gửi lên 2,5%. ECB dự định tăng thêm lãi suất vào tháng 3 tới và đã báo hiệu rằng việc thắt chặt sẽ không dừng lại ở thời điểm đó. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau gần đây đã ám chỉ rằng tỷ lệ lãi suất có thể được tiếp tục tăng cho đến tháng 9/2023.

Một số đồng nghiệp của Visco, bao gồm cả Chủ tịch Bundesbank, Joachim Nagel, đã lập luận rằng cũng sẽ cần nhiều bước "quan trọng" hơn trong quý II/2023, một cụm từ mà các nhà hoạch định chính sách thường sử dụng để chỉ việc tăng 50 điểm cơ bản. Nhưng Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy đã đưa ra một cách giải thích hơi khác, một dấu hiệu cho thấy việc tìm kiếm sự đồng thuận phía trước có thể trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, luận cứ của ECB về việc phải hành động mạnh mẽ đã được củng cố trong tuần này, sau khi một báo cáo cho thấy lạm phát cơ bản đang tỏ ra khó khăn hơn so với dự đoán, làm tăng rủi ro về vòng xoáy giá lương trong khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia.

Thống đốc Visco nói: "Chúng ta phải chắc chắn rằng lạm phát cơ bản không duy trì ở mức cao này, đồng thời nhấn mạnh thị trường lao động thắt chặt ở một số nơi trong khu vực là cần được giám sát chặt chẽ. Điều này có thể khiến tăng lương vượt quá mức tương thích với tỷ lệ lạm phát trung hạn 2%, vốn là mục tiêu của chúng tôi".

Ông Visco cũng nói rằng việc "giảm dần" bảng cân đối kế toán, sẽ bắt đầu khi ECB bắt đầu bán trái phiếu từ danh mục đầu tư trị giá 5.000 tỷ euro (5.300 tỷ USD) vào tháng 3/2023, là "cần thiết". Ông nói: "Chúng ta phải quyết định khi nào và ở đâu nên dừng lại, nhưng hiện tại, tôi nghĩ chúng ta đã bắt đầu một cách thích hợp".

Về kế hoạch đồng euro kỹ thuật số, ông Visco và những người đồng cấp trong G20 châu Âu đã đến Ấn Độ sau một cuộc họp kín của ECB ở Lapland để đánh giá tiến độ đạt được trong việc phát triển đồng euro kỹ thuật số. Ông cho biết các quan chức "hài lòng" với công việc kỹ thuật được thực hiện cho đến nay và nhấn mạnh sự cần thiết phải liên hệ chặt chẽ với Ủy ban châu Âu.

Ông nói: "Phần lớn quyết định chuyển sang tiền kỹ thuật số là một quyết định chính trị. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là phải có một cuộc đối thoại rõ ràng". Mặc dù quyết định chính thức về việc liệu công việc trong dự án có chuyển sang giai đoạn tiếp theo hay không sẽ được đưa ra vào tháng 10 tới, nhưng ông Visco "mong đợi" dự án sẽ được tiến hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục