Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 3: Sự trưởng thành của ngành truyền tải

15:01' - 14/05/2018
BNEWS Việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống truyền tải điện 500kV là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam nói chung và ngành truyền tải nói riêng trong các lĩnh vực.
Đường dây 500kV Bắc - Nam. Nguồn: TTXVN

Có thể nhìn nhận, việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống truyền tải điện 500kV là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam nói chung và ngành truyền tải nói riêng trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

Cụ thể, trong lĩnh vực nghiên cứu, nhiều vấn đề kinh tế, kỹ thuật rất đặc thù của đường dây đã được xem xét và tranh luận khá sôi nổi không những chỉ trong giới chuyên gia kỹ thuật mà cả trong nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Trong số những vấn đề được đề cập cần kể đến là tính thực thi và hiệu quả của công trình; cấp điện áp và loại dòng điện truyền tải; ảnh hưởng của chiều dài đường dây (1487km- gần ¼ bước sóng); tính ổn định và độ tin cậy của hệ thống; bảo vệ đường dây chống các hư hỏng và sự cố về điện; an toàn về mặt xã hội đối với tuyến đường dây mang điện xuyên dọc đất nước qua rất nhiều vùng hiểm trở, hoang vắng…

Trong lĩnh vực khảo sát thiết kế, phải thấy rằng đây là lần đầu tiên các kỹ sư và chuyên gia Việt Nam tự lực tính toán, thiết kế phần lớn các hạng mục trọng yếu của một công trình tải điện siêu cao áp từ việc lựa chọn năng lực truyền tải tính toán của hệ thống, kết cấu các loại cột và dây dẫn, tham số các thiết bị bù, nguyên lý và chủng loại các thiết bị bảo vệ cho từng đối tượng trong hệ thống. Mọi chế độ đặc trưng của hệ thống đều được tính toán rà soát nhiều lần và so sánh đối chiếu với kết quả tính toán của chuyên gia tư vấn nước ngoài.

Trên thực tế, hệ thống truyền tải điện 500kV của Việt Nam đã được tính toán thiết kế trong những ràng buộc rất ngặt nghèo về chiều dài đường dây, về phân bố và dao động điện áp từ chế độ không tải đến đầy tải và mất tải đột ngột, mức độ bù công suất phản kháng và thông số của đường dây, tổn thất công suất và điện năng trên đường dây, dung lượng dòng ngắn mạch và độ nhạy cảm của các thiết bị bảo vệ… Những tính toán này đã được nhiều chuyên gia và tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện kiểm tra lại cũng như thực tế trong hai năm đầu đưa vào vận hành.

Về mặt tổ chức xây dựng phải nói đây là một thành công lớn của ngành điện Việt Nam. Thành công này đã được dư luận trong nước và ngoài nước khẳng định và ca ngợi. Bởi, thông thường ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển đã thực hiện các dự án tải điện xoay chiều 500kV với chiều dài trung bình khoảng 300-500 km phải mất khoảng 3-5 năm.

Mô hình tổ chức thi công song song trên toàn tuyến với hàng trăm công trường xây dựng làm việc đồng thời đã đặt ra rất nhiều vấn đề khó khăn về cung cấp vật tư thiết bị, giám sát kỹ thuật, phối hợp tiến độ…

Những người chỉ đạo công trình cùng với đội ngũ những người thợ đường dây và xây lắp điện Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ trong hơn 2 năm với khối lượng thi công xây lắp 1.487 km đường dây kích cỡ chưa hề có trước đây ở nước ta, 5 trạm biến áp 500kV với 18 máy biến áp tự ngẫu 1 pha cỡ lớn, các dàn tụ bù dọc, các cuộn kháng bù ngang, rơle và thiết bị điều khiển dùng kỹ thuật số, khoảng 1.500 km cáp quang với 20 trạm lặp trên toàn tuyến đường dây…. tất cả đều là những thiết bị hiện đại lần đầu tiên được lắp đặt và sử dụng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc ghép nối với các lưới điện 220kV hiện có, thử nghiệm và chuẩn bị hòa điện vào hệ thống để hợp nhất hệ thống điện toàn quốc cũng đã được tính toán và kiểm tra rất chi tiết trước khi “xông điện” đường dây.

Nhiều tính toán đã được thực hiện để xác định mức điện áp và trào lưu công suất phản kháng thời gian “chờ” hòa đồng bộ cho từng phương án hòa tại các trạm biến áp 500kV khác nhau. Những lần hòa đồng bộ đầu tiên cho thấy những tính toán này là hoàn toàn chuẩn xác.

Công nhân thi công trạm biến áp 220 kV. Nguồn: TTXVN

Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc vận quản lý vận hành an toàn Hệ thống siêu cao áp 500kV cần đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân vận hành tinh thông nghề nghiệp, trẻ, khỏe, dễ thích nghi với điều kiện sống trên địa hình hiểm trở mà Đường dây 500kV đi qua.

Với tinh thần đó, Bộ Năng lượng đã giao cho Sở Truyền tải điện 1 tuyển công nhân phổ thông, gửi đi đào tạo 3 thán tại trường Kỹ thuật điện Hội An và trường Quân chính Quân khu 5.

Sau 2 khóa, công nhân có trình độ cơ bản về điện, ý thức tổ chức tốt, có kỹ năng đọc bản đồ địa hình, trải nghiệm cách ăn ở, sinh hoạt trong rừng, nắm vững những tình huống cần xử lý khi khẩn cấp ở các vùng núi cao, rừng sâu. Những kiến thức đó đã giúp công nhân tự tin, chủ động trong ứng phó và xử lý các tình huống khi tham gia quản lý, vận hành đường dây.

Sau đó Bộ Năng lượng đã tạo điều kiện để Sở Truyền tải Điện 1 cử 13 kỹ sư tham gia đào tạo nâng cao lý thuyết tại trường Đại học Bách Khoa và cử 7 kỹ sư đi thực tập 7 tuần tại Australia và Bỉ.

Bộ Năng lượng cũng phối hợp với Hội Điện lực Việt Nam biên soạn các giáo trình quản lý vận hành hệ thống điện siêu cao và mời các giáo sư của Trường Đại học Bách khoa giảng dạy cho các kỹ sư các kiến thức về đường dây tải điện xoay chiều, điện áp siêu cao, vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp... Đây chính là những kiến thức cơ bản và là cẩm nang của các nhân viên vận hành.

Cùng với đó, Bộ Năng lượng còn tổ chức hàng chục Hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế để cung cấp một lượng thông tin rất lớn về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực truyền tải điện năng cho các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Việt Nam.

Cả “tiền tuyến” và “hậu phương” đang cấp tập chuẩn bị cho thời khắc quan trọng nhất của ngành năng lượng Việt Nam./.

>>> Bài 4: Lần đầu tiên thí nghiệm cấp điện áp 500kV

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục