Thông tin ngân hàng nổi bật tuần qua

11:00' - 12/12/2021
BNEWS Nhiều ngân hàng sắp chia cổ tức "khủng"; Kienlongbank có Tổng giám đốc mới, sắp đại hội bất thường; LienVietPostBank chào bán riêng cho nhà đầu tư ngoại... là một số thông tin nổi bật tuần qua.

*Vietcombank sắp chia cổ tức tỷ lệ gần 40%
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị duyệt kế hoạch thực hiện chia trả cổ tức bằng tiền mặt 2020 và cổ phiếu năm 2019.
Theo đó, Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt 2020 với tỷ lệ 12%, 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng, tương đương với giá trị thanh toán 4.440 tỷ đồng, đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Ngày 23/12 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông và ngày 5/1/2022 sẽ là ngày chi trả cổ tức tiền mặt. Tổng tỷ lệ cổ tức thực hiện chia là 39,6%.
*BIDV được duyệt tăng vốn điều lệ qua chia cổ tức
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được cổ đông thông qua.
Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.
Sau phát hành vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện nay, các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống lần lượt là VietinBank (48.058 tỷ đồng), VPBank (44.455 tỷ đồng) và BIDV (40.220 tỷ đồng). 

*LienVietPostBank chuẩn bị phát hành ESOP, chào bán riêng cho nhà đầu tư ngoại
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - mã chứng khoán: LPB) vừa có Nghị quyết ngày 10/12/2021 thông qua việc thực hiện các thủ tục trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ cho các chương trình tăng vốn còn lại theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 theo thứ tự.
Theo đó, ngân hàng sẽ triển khai phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Đồng thời, thực hiện các chương trình phát hành tăng vốn còn lại bao gồm: Phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho LPB tăng vốn điều lệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận LPB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 3.667 tỷ đồng dưới các hình thức sau: phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 667 tỷ đồng; phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động tối đa 350 tỷ đồng; phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa là 2.650 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua.
Cùng ngày 10/12, HĐQT LienVietPostBank cũng công bố đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng lượng trái phiếu chào bán là 40 triệu trái phiếu chia làm 2 đượt (trái phiếu 7 năm và trái phiếu 10 năm), tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 4.000 tỷ đồng.
*TPBank chốt quyền phát hành cổ phiếu thưởng
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB) thông qua 21/12 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng được phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/12.
TPBank sẽ phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 35% (tức cổ đông giữ 100 cổ phiếu TPB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 35 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng. Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 11.716 tỷ đồng lên 15.817 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận để lại chưa phân phối theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua ngày 1/11.

*Kienlongbank có Tổng giám đốc mới, trình niêm yết cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, mã: KLB) vừa có quyết định bổ nhiệm ông Trần Ngọc Minh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc từ ngày 9/12.
Trước đó, ông Minh bắt đầu tham gia vào công tác điều hành tại KienlongBank trên cương vị Phó Tổng giám đốc từ tháng 1. Đến tháng 10, ông được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc KienlongBank và chính thức nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc kể từ ngày 9/12.
Dự kiến tại phiên họp bất thường ngày 28/12 tới đây, Hội đồng quản trị Kienlongbank sẽ trình cổ đông niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX hoặc HoSE. Hiện nay, cổ phiếu KLB đang được đăng ký giao dịch trên UPCoM. 
Theo tài liệu dự kiến, Hội đồng quản trị cũng sẽ trình việc chấm dứt việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh từ Kienlongbank thành KSBank. Theo giải trình, Ngân hàng Nhà nước giữa tháng 8 có văn bản thông báo không chấp thuận đề nghị thay đổi này vì ngân hàng chưa tuân thủ quy định tại điều 5, Thông tư số 50 ban hành năm 2018.

Theo nội dung Thông tư 50, ngân hàng muốn đổi tên phải nộp bộ hồ sơ gồm văn bản đề nghị (tên hiện tại, tên dự kiến thay đổi, lý do thay đổi) và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.
Do không được chấp thuận dùng tên mới nên thời gian tới ngân hàng này vẫn dùng tên viết tắt cũ là Kienlongbank.
*Cho phép mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online từ năm 2022
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 17/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Thông tư 17 bổ sung quy định tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Thông tư nêu rõ, tổ chức phát hành thẻ phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức phát hành thẻ, bao gồm tối thiểu 5 bước.
Thứ nhất là thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định.
Thứ hai là thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Thứ ba là cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử.
Tiếp đến là cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung quy định và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng bảo đảm quy định về pháp luật giao dịch điện tử.
Cuối cùng là thông báo  tên tổ chức phát hành thẻ, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực (hoặc thời điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng.
Tổ chức phát hành thẻ được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu quy định.
Tổ chức phát hành thẻ căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải bảo đảm tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế.
Thông tư 17/2021 có hiệu lực từ 1/1/2022.
*Năm 2022, nhiều người được vay mua nhà với lãi suất 4,8%/năm
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN là 4,8%/năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 2196/QĐ-NHNN ngày 24/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN./.

>>>Nhiều ngân hàng cho vay mua nhà, mua xe lãi suất từ 5,49%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục