Thông tin thiếu kiểm chứng gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp

15:19' - 06/11/2015
BNEWS Còn nhiều nguyên nhân chủ quan khiến thông tin kinh tế chưa được như kỳ vọng, nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chính xác gây ảnh hưởng xấu tới bản thân các doanh nghiệp và nhận định của xã hội.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Liên chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), với sự tham gia trực tiếp của Ban Biên tập Tin kinh tế/BNEWS/TTXVN và Báo điện tử VietnamPlus phối hợp cùng Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, Hãng tin Reuters tổ chức Hội thảo “Đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục phó Cục báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan khiến vấn đề đưa thông tin kinh tế chưa được như kỳ vọng, nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chính xác gây ảnh hưởng xấu tới bản thân các doanh nghiệp và nhận định của xã hội. Theo ông Lâm, với lĩnh vực đặc thù là kinh tế, thông tin kinh tế cần phải đảm bảo tính trung thực.

Theo ông Lê Quốc Minh, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), trong bối cảnh kỷ nguyên kỹ thuật số, thay vì việc tạo ra sự khác biệt thì nhiều tờ báo lại chạy đua cạnh tranh theo hướng dễ dãi đưa tin, dễ dãi tuyển chọn nhân sự. Thậm chí có những phóng viên kinh tế còn lẫn lộn các khái niệm kinh tế, trong khi độc giả "ngày càng thông minh".

Tại buổi hội thảo, hầu hết các diễn giả đều đề cập tới sức ép của báo chí cũng như doanh nghiệp trước áp lực kỷ nguyên kỹ thuật số, trước áp lực thông tin trên các tờ báo mạng, trên các trang xã hội... từ đó đưa ra, gợi mở những giải pháp để có thể kết nối thông tin giữa báo chí và doanh nghiệp, từ đó có được thông tin chính xác và nhanh nhất.

Bà Lê Thị Thanh Huyền: Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin kinh tế không thể vì cạnh tranh chạy đua thời gian mà dẫn đến sai sót.  Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Bà Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Biên tập Tin kinh tế (TTXVN) bày tỏ quan điểm, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin kinh tế không thể vì cạnh tranh chạy đua thời gian mà dẫn đến sai sót. Bởi vì, những sai sót này trực tiếp ảnh hưởng ngay đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng dư luận.

TTXVN với vai trò là thông tin nguồn, là cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng và Nhà nước thì yếu tố chính xác được đặt lên vị trí hàng đầu. Để có được cả hai yếu tố chính xác và nhanh thì cần sự kết nối thông tin giữa báo chí và doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các diễn giả đều cùng chung quan điểm thời kỳ kỷ nguyên kỹ thuận số, bùng nổ thông tin cũng chính là cơ hội để báo chí thay đổi, tìm ra hướng đi sáng tạo hơn, chất lượng hơn. Vấn đề là làm sao để mối quan hệ báo chí với doanh nghiệp, cộng đồng xã hội khăng khít hơn nữa, đưa ra những thông tin chính xác, tin cậy, giúp doanh nghiệp định hướng phát triển.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc đối ngoại Công ty Uniben Foods cho hay, sau một thời gian "có kinh nghiệm", trong mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp truyền thống, Uniben Foods luôn đặt chủ trương "Chủ động - Cởi mở - Minh bạch". Ba yếu tố này giúp rất nhiều cho doanh nghiệp trong kinh doanh cũng như tránh khỏi những khủng hoảng truyền thông.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân lấy ví dụ trong chương trình khuyến mại “Mở lốc Trúng Vàng” mới được tổ chức, áp dụng cho nhãn hàng mì ăn liền 3 Miền với tổng giá trị lên đến hơn 14 tỷ đồng, thông qua hình thức cào trúng thưởng.

Để xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng, công ty đã chủ động mời báo chí vào cuộc, đưa tin và giám sát chương trình. Đồng thời, công ty cũng cởi mở, chia sẻ những lo lắng, khó khăn... của chương trình để làm sao đảm bảo tính bí mật kinh doanh cũng như những kỹ thuật để tránh bị làm giả, gian lận... Sự cởi mở này đã giúp doanh nghiệp nhận được những góp ý, giải pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý, báo chí.

Bên cạnh đó, công ty cũng để cơ quan báo chí, ban giám sát tham gia vào mọi công đoạn, từ quá trình triển khai đến trao thưởng. Từ đó, Uniben Foods đã bất ngờ đạt được lượng đăng tải và chia sẻ thông tin tăng hơn 320%. Đây là kết quả chưa từng có đối với một sản phẩm là mì ăn liền.

"Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ quan điểm: Chủ động – Cởi mở - Minh bạch với báo chí, truyền thông. Nhưng thêm vào đó, chúng tôi cũng sẽ cung cấp thông tin đến cộng đồng mạng những thông tin đáng tin cậy, đầy đủ và toàn diện; lựa chọn thời điểm, đối tượng."- ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân nói.

Cũng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt khá cởi mở khi chia sẻ: Trong mối quan hệ với các cơ quan truyền thông báo chí, quan điểm của ngân hàng là cởi mở và minh bạch, không giấu diếm thông tin.

Ông cũng khẳng định ngân hàng chưa bao giờ có việc "xin gỡ tin, rút tin" mà thậm chí còn cung cấp thông tin thêm. Theo quan điểm của ông Hưởng, để mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí có được sự tin tưởng, thì không có gì tốt hơn là sự thành thực.

Một thành công khác đến từ mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp là trường hợp của Ngân hàng VP Bank. Ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc truyền thông của VP Bank cho hay, tại cuộc khủng hoảng của VP Bank liên quan đến thông tin VP Bank tài trợ để chặt cây xanh tại Hà Nội.

Trong khi giới truyền thông và cộng đồng mạng xã hội quay lưng, tẩy chay VP Bank lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhiều cá nhân đã đăng ký rút tiền mặt tại các chi nhánh ngân hàng. VP Bank đã dựa vào sự minh bạch, cởi mở với báo chí và truyền thông để trải qua khó khăn này.

“Chúng tôi đã huy động hơn 400 nhân lực để chủ động làm việc trực tiếp với báo chí và các quản trị viên của trang mạng xã hội, đăng tải các thông tin minh bạch, của doanh nghiệp.

Rất may là sau đó, các admin đều đã hiểu và họ không post lên những thông tin bất lợi. Cùng lúc đó thì các báo đã thanh minh cho các nhà tài trợ, trong đó có VP Bank. Nhờ đó, VP Bank đã trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông một cách ngoạn mục và đứng vững đến hôm nay”, ông Trần Tuấn Việt chia sẻ.

Ông Martin Petty, Phân xã trưởng của Hãng tin Reuters tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại buổi hội thảo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Martin Petty, Phân xã trưởng của Hãng tin Reuters tại Việt Nam, đưa tin đúng, nhanh, hiệu quả không chỉ là mong muốn của các cơ quan báo chí, truyền thông mà còn của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nếu thông tin sai lệch sẽ gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp và thị trường.

Rõ ràng, trách nhiệm này ngoài của các phóng viên, toà báo thì những nhà hoạch định chính sách, các giám đốc doanh nghiệp, cũng phải cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến phóng viên để họ đưa đến công chúng. Đây là tiến trình hai chiều để đáp ứng yêu cầu của cả hai phía./.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục