Thông tư 02 về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi sẽ được điều chỉnh cho phù hợp

17:22' - 27/03/2019
BNEWS Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, Thông tư 02 sẽ được điều chỉnh lại đối tượng áp dụng cho phù hợp.
Thông tư 02 về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh minh hoạ: Mạnh Linh - TTXVN

Liên quan đến Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành về danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam gây dư luận trái chiều thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau khi làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, Thông tư 02 sẽ được điều chỉnh lại đối tượng áp dụng cho phù hợp.

Theo ông Dương, Thông tư này thực chất là thay thế cho Thông tư 26/2012TT-BNNPTNT (ngày 11/2/2019) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không bị gián đoạn.

Theo Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT, danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam gồm 18 loại: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thủy sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ.

Theo đó, quy định này sẽ không bao gồm thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nguyên liệu đơn mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng trong nội bộ các nông hộ chăn nuôi. Quy định này chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, Thông tư 02 khiến nhiều người hiểu rằng, những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm sử dụng lưu hành tại Việt Nam.

Đồng nghĩa với việc, một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng, vốn được sử dụng phổ biến như: bèo tây, thân cây chuối, các loại rau (rau muống, rau lang, su hào, cà rốt)... sẽ không được phép lưu hành.

Ông Dương lý giải, những thức ăn chăn nuôi theo tập quán mà người chăn nuôi tự sản xuất, sử dụng lâu nay thì người chăn nuôi vẫn được quyền sử dụng vì luật pháp không yêu cầu quản lý và số lượng loại này rất nhiều, đa dạng và cũng khác nhau ở các địa phương nên không thể liệt kê hết được. Do đó, Thông tư 02 không ảnh hưởng gì đến các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Còn nếu không ban hành Thông tư này thì các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể sản xuất kinh doanh các sản phẩm thức ăn có những nguyên liệu tập quán. Thực tế, hầu hết các nguyên liệu trong danh mục trên đều được doanh nghiệp sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Vấn đề quản lý thức ăn chăn nuôi được quan tâm trong thời gian qua cũng một phần bởi diễn ra trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, để có thể quản lý tốt thức ăn chăn nuôi thì việc đầu tiên các cơ quan chức năng cần chú trọng là kiểm tra chặt chẽ điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất và kinh doanh, điều kiện cung ứng của các tổng kho cũng như việc bảo quản của các cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo công tác vận chuyển, bảo quản và cung ứng đến người chăn nuôi đúng kỹ thuật.

Tại các địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu xây dựng các chuỗi liên kết và quản lý thức ăn chăn nuôi, nhất là tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn…

Đơn cử như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố.

Trong trường hợp thức ăn thừa được tận dụng cho chăn nuôi, trước khi đưa ra khỏi cơ sở phải được xử lý nhiệt.

Cùng với đó, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi bằng nguồn thức ăn tận dụng cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nơi tập kết thức ăn thừa được cách ly xa với khu vực chuồng nuôi; phải được nấu chín kỹ trước khi cho lợn ăn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục