Thông tư 20: Nên giữ hay nên bỏ?

16:17' - 11/08/2016
BNEWS Thông tư 20/2011/TT-BCT về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô hết hiệu lực vào 1/7/2016. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều trong việc giữ và nâng cấp Thông tư 20 hay bãi bỏ hẳn.
Thông tư 20: Nên giữ hay nên bỏ?. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhằm tạo diễn đàn để các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nêu ý kiến, qua đó, các cơ quan quản lý tổng hợp các đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ các quy định của Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô, ngày 11/8, Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư – BizLIVE.vn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức cuộc tọa đàm BizTALK “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20?”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập BizLIVE cho biết, Thông tư 20/2011/TT-BCT (Thông tư 20) do Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011 đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Hiện tại, việc duy trì hay bãi bỏ thông tư này đang là câu chuyện gây tranh cãi giữa các bên.
Trong khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về tác động tiêu cực tới quyền lợi của người tiêu dùng nếu Chính phủ chưa có biện pháp ban hành nghị định thay thế thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa… lại ủng hộ phương án bãi bỏ Thông tư 20.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, câu chuyện về Thông tư 20 bắt đầu một tư tưởng thể hiện rõ ràng về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 là làm thế nào để “cởi trói” cho hoạt động kinh doanh. Nhà nước sẽ điều chỉnh như thế nào để thị trường không méo mó.
“Nếu hội nhập mà chỉ chú ý đến lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, đó là sai lầm nghiêm trọng. Do đó, bất kỳ hoạt động nào cũng phải chú ý đến lợi ích của người tiêu dùng, nhân dân. Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chính sách bảo hộ cho ngành ô tô, nhưng tới nay có thể nói chiến lược này đã hoàn toàn thất bại.

Tôi cho rằng không nên nâng Thông tư 20 thành nghị định, mà để cho Thông tư này hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016", Chủ tịch Nguyễn Mại khẳng định.
Dưới quan điểm của nhà kinh doanh xe ô tô, ông Nguyễn Đức Dư Khương, Giám đốc chi nhánh Porsche Hà Nội cho rằng, đứng trên quan điểm của người dân thì họ có quyền lựa chọn xe rẻ hơn.

Vậy, khi bãi bỏ Thông tư 20, giá xe nhập khẩu có rẻ hơn và chính sách khai thuế tại hải quan sẽ được thực hiện như thế nào? Bởi doanh nghiệp này muốn trực tiếp nhập khẩu xe chính hãng tại Đức, nhưng một số nhà nhập khẩu khác khi nhập khẩu về lại có giá cạnh tranh hơn.

Do đó, không hẳn Thông tư 20 mang tính bảo hộ. Tất cả các nhà sản xuất đều muốn bán xe nhiều hơn nên họ cũng có thể ký đại lý với nhiều công ty trong nước khác nhau. Trên thực tế cũng có nhiều hãng xe như vậy nên các nhà nhập khẩu trong nước cũng có thể tham gia.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội nêu vấn đề, nên xét trên quan điểm quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước và các bên.

Nếu có Thông tư 20, giá xe được niêm yết rõ ràng, khách hàng không phải lo giá xe bị biến động theo thị trường và hoá đơn đầy đủ. Trong khi đó, Nhà nước quản lý tốt hơn, hạn chế thất thoát thuế. Còn với doanh nghiệp, các xe hiện đại cần rất nhiều thiết bị dụng cụ hỗ trợ, bảo hành sửa chữa, mà chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng mới làm đủ tiêu chuẩn.
Liên quan đến vấn đề trốn thuế ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà VAMA lo ngại, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho rằng, việc này đã có các cơ nhà nước, cụ thể là hải quan quản lý, nếu có nghi ngờ sẽ không được thông quan.

Việc giữ hay bỏ Thông tư 20 đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Còn đối với vấn đề an toàn giao thông, chưa có bằng chứng xác thực nào là do xe nhập khẩu không chính hãng gây nên, mà là do con người. Đặc biệt, VAMA hứa hẹn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng hơn 20 năm qua lúc nào cũng chỉ ở “thì tương lai”.

"Vừa rồi VAMA lại xin đến năm 2035 mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi những hệ quả và bài học về Thông tư 20, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã “thấm” trong hiện tại và quá khứ" - ông Tuấn bộc bạch.
Liên quan đến vấn đề nhập siêu và độc quyền, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà cho hay, Thông tư 20 ra đời là kế thừa Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu hạn chế nhập siêu.

Tuy nhiên, số lượng xe nhập khẩu năm 2015 tăng gấp 3 lần năm 2011. Do vậy mục tiêu Thông tư 20 đề ra hoàn toàn không đạt được và còn ảnh hưởng rất nhiều vấn đề cho người tiêu dùng.
Ông Quyết cũng cho hay, Thông tư 20 có nhiều vấn đề, nhưng ông chỉ chú trọng về lợi ích của người tiêu dùng, nhất là sự lựa chọn. Cụ thể, nếu thị trường chỉ có Porsche, Toyota thì người ta thích đặt giá nào người tiêu dùng phải chịu.

Từ đó, ông Quyết đặt câu hỏi: “Sao mà Rolls-Royce và Lexus lãi khủng vậy? Đó là do độc quyền mà ra thôi. Các anh cứ nói bảo vệ người tiêu dùng nhưng không phải. Người tiêu dùng là tất cả chúng ta ngồi tại tọa đàm này”.
Ông Đoàn Hiếu Trung, Giám đốc điều hành tập đoàn Regal Motor Cars, chuyên nhập khẩu và phân phối Rolls-Royce (RR) cho rằng, vấn đề giữ hay bỏ Thông tư 20 không còn quan trọng vì đã hết hiệu lực.

Tuy nhiên, về lâu dài, không nên giữ các điều khoản trong Thông tư 20 để các doanh nghiệp cùng có cơ hội. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không giữ các điều kiện đó thì sẽ có bất cập cho người tiêu dùng, các hãng xe và Nhà nước; trong đó, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại nếu các hãng xe không thể đảm bảo chất lượng và khắc phục các lỗi.
Dưới góc độ quản lý, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đây là điều kiện kinh doanh vì theo Thông tư 20 phải có ủy quyền chính hãng. Thông tư 20 vẫn không thay đổi nhập siêu và tỷ lệ nội địa hoá ở trong nước như cam kết.
Bên cạnh đó, các ý kiến đưa ra gồm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường hay an toàn thì các yếu tố này không hợp lý. Chức năng chính an toàn hay không là do người lái chứ không phải do chiếc xe. Hơn nữa, về môi trường xe vẫn thường xuyên đi đăng kiểm và đây là vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải chứ không thuộc về hãng nhập khẩu.
Cùng với đó, việc duy trì đại lý uỷ quyền cũng là một hình thức độc quyền. Cụ thể như mua xe Toyota trong nước mọi người phải xếp hàng mới mua được, thậm chí có những trường hợp phải trả thêm tiền để mua xe.
Ông Lê Thủy Trung cũng nhấn mạnh, sau khi ký kết các hiệp định FTA, các xe nhập vào Việt Nam rất đa dạng. Vì vậy nên coi xe ô tô là một hàng hóa thông thường, chứ không phải là xa xỉ phẩm, loại trừ các xe hạng sang như Rolls-Royce hay Audi.

Do đó, không nên duy trì Thông tư 20 mà thay vào đó, các bộ cần đưa ra các quy định riêng biệt. Cụ thể, Bộ Tài chính nên quy định về thuế còn Bộ Giao thông Vận tải cần quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục