Thủ đô New Delhi chìm trong khói độc hại sau lễ hội ánh sáng

16:49' - 20/10/2017
BNEWS Bất chấp lệnh cấm bán pháo hoa, tối 19/10, thủ đô New Delhi của Ấn Độ vẫn chìm trong khói độc hại dày đặc sau đêm lễ hội ánh sáng Diwali của đạo Hindu.
Thủ đô New Delhi chìm trong khói độc hại sau lễ hội ánh sáng Diwali. Ảnh: Xinhua

Theo Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Không khí thủ đô Delhi, tại nhiều khu vực của thành phố, mức độ ô nhiễm PM2.5 đã lên mức 1.100 microgram/m3, gấp 11 lần so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đặc biệt, tại những khu vực đông dân cư, chỉ số PM2.5 đã lên đến 1,179 microgram/m3 vào thời điểm nửa đêm khi các đợt đốt pháo lên tới đỉnh điểm. Dù mức độ ô nhiễm đã giảm xuống trong đêm song trong sáng 20/10 vẫn ở mức nguy hiểm tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết chất lượng không khí tại New Dehli vẫn sạch hơn nhiều so với năm trước nhờ hướng gió thuận lợi giúp không khí không bị ứ đọng. Trong đợt ô nhiễm sau ngày lễ hội năm 2016, chỉ số ô nhiễm đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 20 năm, buộc chính phủ phải đóng cửa các trường học và một nhà máy nhiệt điện chạy than.

Để ngăn nguy cơ tái diễn tình trạng ô nhiễm không khí khiến 20 triệu cư dân của New Delhi gặp vấn đề về hô hấp trong nhiều tuần lễ như năm trước, năm nay, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cấm bán pháo song vẫn không thể ngăn người dân thủ đô Ấn Độ mua pháo lậu hoặc sử dụng pháo đã mua từ trước.

Người tham gia giao thông lái xe trong điều kiện khói mờ mịt tại New Delhi ngày 20/10/2017. Ảnh:  AFP 

Trước đó, ngày 17/10, các tổ chức giám sát môi trường đã đề xuất ngừng vận hành tất cả các máy phát điện động cơ diesel, cũng như nhà máy nhiệt điện duy nhất của thành phố nhằm giảm mức độ. '

Năm 2014, New Delhi bị WHO xếp vào thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tình trạng không khí của thành phố này càng trở nên tệ hơn vào mùa Đông, hậu quả của sự đô thị hóa nhanh do ô nhiễm từ các động cơ diesel, các nhà máy điện dùng than, khí thải công nghiệp và bụi không khí.

PM2.5 hay PM10 là những chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí. Bụi PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet. Nếu chỉ số PM2.5 cao có thể gây viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh tim mạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục