Thử thách bản lĩnh doanh nghiệp Việt

08:17' - 01/01/2023
BNEWS Năm 2022 khép lại với tâm lý chung dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, nền kinh tế có sự phục hồi đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nhiều định chế tài chính nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... có chung nhận định, mặc dù kinh tế Việt Nam đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng song tình hình khó khăn vẫn đang còn ở phía trước.

 

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đã được các tổ chức quốc tế và truyền thông nước ngoài ghi nhận.

Ngân hàng Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, mức cao nhất trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, với rất nhiều giải pháp mà Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương trên cả nước đã triển khai trong năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, tín dụng... đã giúp tạo thêm sức bật cho nền kinh tế, giúp tăng trưởng GDP đạt mức 8,02% trong năm nay.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Trong năm 2022, bình quân mỗi tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng vẫn có tới 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề trước những khó khăn của kinh tế thế giới và sức ép của nền kinh tế trong nước.

Cũng nhờ việc thích ứng kịp thời với tình hình mới và mở cửa thương mại, tình hình xuất khẩu cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng nếu so sánh với giai đoạn trước, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều trở ngại.

Khó khăn vẫn đang ở phía trước; nhất là sau tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đa số doanh nghiệp đang rất suy yếu, chưa phục hồi đầy đủ; trong khi đó giá đầu vào, nhất là nhập khẩu tăng cao; việc tiếp cận vốn các kênh khó hơn, thậm chí tắc nghẽn.

Đánh giá về sức chống chịu của doanh nghiệp qua biến cố của đại dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thảo  nhận định, tính từ năm 2019 đến tháng 10/2022 là đỉnh điểm về số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với con số 122.100 doanh nghiệp tạm ngừng hoặc đã ngừng hoạt động hoặc đang chờ làm thủ tục giải thể.

Nguyên nhân cơ bản vẫn do có quá nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, thiếu cơ sở khoa học hoặc thậm chí không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện và vừa công bố mới đây cho thấy, 60,1% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 61,36% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, chưa kể 21,7% doanh nghiệp gặp những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện nên đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.

Theo ông Cung, không còn nhiều dư địa phát triển cho doanh nghiệp sau đại dịch, do đó, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, chuyển nhanh sang áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử; tìm cách giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực.

Cùng với đó, gia tăng xuất khẩu nông sản thực phẩm và phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp tích cực đổi mới hệ thống quản trị, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt, phù hợp nhằm nâng cấp và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả và hiệu lực quản lý. 

Thực hiện đào tạo cho cổ đông, người quản lý và người lao động bằng các hình thức, cách thức và kiến thức, kỹ năng phù hợp, nhất là quản lý, nghiên cứu và phát triển thị trường, chuyển đổi số...

Chia sẻ về tình hình chung của số đông doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc Kênh bán hàng và Phân phối ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho rằng, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong năm 2022; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị bào mòn trong hai năm dịch bệnh.

Vì thế, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hạn mức dự phòng rủi ro nhằm tận dụng cơ hội khi thị trường có biến động. Bước vào năm 2023, doanh nghiệp cần chuẩn bị tiềm lực tài chính và phương án ứng phó với các kịch bản xấu có nguy cơ xảy ra.

Với mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của doanh nghiệp cùng các cấp, ngành và địa phương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị, đầu tiên là cần cải cách thực chất ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Phải coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục; đảm bảo tính an toàn của môi trường kinh doanh; nhất là duy trì sự ổn định của chính sách.

Bên cạnh đó, tiếp tục các giải pháp thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do. Các cấp, các ngành tích cực triển khai các giải pháp khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật, nhất là lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Không thể quên việc huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào xây dựng chính sách; đồng thời, thực hiện các đánh giá độc lập.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, trong tương lai, doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững, để đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.

Các doanh nghiệp phải nỗ lực, chủ động tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của khu vực tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá ở các ngành sản xuất công nghiệp lên thêm 10% tới năm 2025. Đó cũng chính là đích nhắm của nền kinh tế Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục