Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Tăng tần suất giám sát, kịp thời phát hiện rủi ro trên thị trường chứng khoán

18:07' - 29/04/2022
BNEWS Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính sẽ tăng tần suất giám sát, thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế thực thi kịp thời phát hiện những rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 chiều 29/4, trả lời câu hỏi về giải pháp của Bộ Tài chính để minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng như giải pháp giám sát của Ủy ban Chứng khoán nhà nước về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về những vụ việc vi phạm pháp luật tại thị trường chứng khoán và thị trường vốn thời gian qua cơ quan quản lý pháp luật đang xem xét xử lý để có kết luận cuối cùng thoả đáng.

 

Về trách nhiệm giám sát thị trường chứng khoán, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi pháp luật đã quy định rất rõ ràng theo 2 lớp. Đó là, tại Sở Giao dịch chứng khoán và lớp thứ 2 là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Từ năm 2019 đã tăng cường thêm một lớp giám sát là giám sát ngay từ đầu - giám sát các công ty bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán.

“Đối với việc thao túng giá trên thị trường chứng khoán thời gian qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có những giám sát, cảnh báo, xử lý các vụ việc vi phạm theo chức năng. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thường xuyên yêu cầu hai Sở giám sát những mã kinh doanh thua lỗ những cổ phiếu lại tăng liên tiếp; các giao dịch có dấu hiệu bất thường…”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Để đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển một cách minh bạch, trong hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan theo chức năng nhiệm vụ chủ động đảm bảo các giải pháp để thị trường tài chính- tiền tệ hoạt động an toàn, không ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.

Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nhưng không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

Về phía Bộ Tài chính, các giải pháp đầu tiên là hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý. Với thị trường cổ phiếu phải nâng cao chất lượng hàng hoá, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì phát triển theo hướng bền vững, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và riêng lẻ.

“Bộ Tài chính sẽ sớm báo cáo Chính phủ để đảm bảo các quy định pháp lý về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phù hợp với điều kiện, yêu cầu của thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ.

Bộ Tài chính cũng sẽ tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo các trụ cột: tăng cường chất lượng các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tăng hàng hoá chất lượng cho thị trường, cơ cấu lại tổ chức thị trường.

Với các tổ chức trung gian tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán độc lập..).

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức cung cấp các dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai áp dụng công nghệ thông tin…

Cùng với đó, Bộ thúc đẩy hình thành các quỹ, định chế đầu tư chuyên nghiệp; ưu tiên phát triển các nhà đầu tư dài hạn, các quỹ đầu tư; quỹ hưu trí tự nguyên, doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường đào tạo các nhà đầu tư cá nhân có kiến thức khi tham gia thị trường chứng khoán.

Tiếp theo, Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả công tác giám sát như: tăng tần suất giám sát, thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế thực thi kịp thời phát hiện những rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Giai đoạn tới, Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra hoạt động các công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn; tăng cường giám sát hiện tượng thao túng, làm giá.

Theo đó, với thị trường trái phiếu thì giám sát, chấn chỉnh những sai phạm, đặc biệt là những sai phạm không công bố thông tin, sai phạm sử dụng vốn; trực tiếp kiểm tra báo cáo tài chính của các đơn vị phát hành, doanh nghiệp kiểm toán. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường công tác điều hành thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu. Song song với đó, tăng cường phối hợp cơ quan báo chí để đưa những thông tin chính thống giúp thị trường minh bạch, chính xác, đấu tranh với những tin đồn thất thiệt.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ban hành Chỉ thị về kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai kiểm tra tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về công bố thông tin, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan hoặc có hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì chuyển ngay cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, rà soát tình hình thực hiện công bố thông tin định kỳ của các doanh nghiệp phát hành, tình hình thực hiện chế độ báo cáo của các tổ chức cung cấp dịch vụ; rà soát, cập nhật số liệu và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tình hình phát hành, mua lại, thanh toán gốc, lãi, dư nợ, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đối với các tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, Bộ trưởng yêu cầu rà soát chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.

Cục Quản lý giá thực hiện chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức thẩm định giá, người hành nghề thẩm định giá tuân thủ quy định quy định pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá; trong đó, bao gồm việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đặc biệt, tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống; khuyến nghị, cảnh báo sớm những rủi ro cho nhà đầu tư, đảm bảo ổn định tâm lý thị trường.

Đối với các nhà đầu tư khi mua trái phiếu phải tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành, tổ chức môi giới, phân phối trái phiếu, hiểu rõ về điều kiện, điều khoản trái phiếu, mục đích phát hành, thông tin tài sản đảm bảo, các cam kết của chủ thể phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Đồng thời, nhà đầu tư phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư và tự chịu các rui ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu, không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục