Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nông nghiệp ứng phó với biến động để tăng tốc

17:55' - 01/04/2024
BNEWS Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Ngành nông nghiệp phải dự báo thị trường, thời tiết, dịch bệnh… nhằm ứng phó kịp thời trước mọi biến động để tăng tốc thực sự và sẽ về đích vào năm 2025.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 1/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Ngành nông nghiệp phải dự báo thị trường, thời tiết, dịch bệnh… nhằm ứng phó kịp thời trước mọi biến động để tăng tốc thực sự và sẽ về đích vào năm 2025.

* 4 mặt hàng giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quý I ngành nông nghiệp, nông thôn tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch năm 2024, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Nhờ vậy, tốc độ tăng giá trị nông lâm thủy sản quý I/2024 ước đạt 2,98% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nông nghiệp tăng 2,81%; lâm nghiệp tăng 4,08%, thủy sản tăng 3,46%.

Điển hình, lúa gạo có giá khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng lúa đã thu hoạch gần 8 triệu tấn, tăng 2,1%. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát nên chăn nuôi phát triển tốt, các sản phẩm chủ lực tăng khá. Sản lượng thịt hơi các loại trên 2 triệu tấn, tăng 4,5%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 1,9 triệu tấn, tăng 2,2%; sản lượng gỗ khai thác 3,67 triệu m3, tăng 4,6%...

Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại ngành quý I đạt 3,36 tỷ USD tăng 96,5%, chiếm 41,5% tổng thặng dư thương mại toàn nền kinh tế.

Ngành đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là gỗ đạt 2,32 tỷ USD, tăng 26,8%; rau quả 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%; gạo 1,37 tỷ USD, tăng 40%; cà phê 1,9 tỷ USD, tăng 54,2%.

Nhiều nông sản có giá xuất khẩu bình quân tăng như: giá xuất khẩu gạo 661 USD/tấn, tăng 5%; cà phê 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%; cao su 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/tấn, tăng 35,6%.

Tuy đạt được kết quả tốt trong quý I, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, ngành còn chịu tác động khó lường của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản còn nhiều phức tạp. Các sản phẩm nông nghiệp chế biến và chế biến sâu vẫn còn là bài toán với ngành. Thị trường xuất khẩu vẫn chủ đạo là Mỹ, Trung Quốc, EU…

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tái cơ cấu ngành vẫn phải tôn trọng 3 trục sản phẩm: quốc gia, vùng và địa phương. Qua đây, giúp tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Cùng với đó, thúc đẩy xúc tiến thương mại thì ngành sẽ có 1 năm xuất khẩu nông lâm thủy sản thuận lợi, đạt được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành từ 54-55 tỷ USD.

 

* Sầu riêng bị cảnh báo không phải phát hiện vào 1 thời điểm

Liên quan đến việc 30 lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết: 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc vừa bị cảnh báo không phải bị phát hiện vào 1 thời điểm. Đó là số liệu Trung Quốc tổng hợp kể từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này (từ 17/9/2022).

Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng – TTXVN
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, việc bị cảnh báo trên chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là cảnh báo để Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân và tránh bị cảnh báo thời gian tới.

Ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ, ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi địa phương, doanh nghiệp để điều tra nguyên nhân. Cục đang làm việc với doanh nghiệp, địa phương để tìm nguyên nhân.

“Đến nay, nguyên nhân chưa xác định được nhưng có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: quá trình canh tác sản phẩm có thể bị nhiễm từ đất, nguồn nước, không khí ô nhiễm từ các nhà máy. Nguyên nhân cũng có thể đến từ khâu xử lý sau thu hoạch như nước rửa… Mỗi trường hợp có thể đến từ các nguyên nhân khác nhau”, ông Nguyễn Quang Hiếu nói.

Sau khi xác định được nguyên nhân, Cục bảo vệ thực vật sẽ có khuyến cáo cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất cần có sự chú ý về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, điều chỉnh biện pháp canh tác để giảm việc hấp thụ cadimi, như sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng với tỷ lệ hợp lý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cũng nên chủ động kiểm tra chất lượng sản phẩm, trong đó có hàm lượng cadimi để tránh rủi ro nếu Trung Quốc tiếp tục phát hiện và áp dụng biện pháp mạnh hơn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật rà soát, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để đáp ứng được yêu cầu thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục