Thủ tục hành chính: Khó cho doanh nghiệp, khó cả cơ quan giải quyết

22:20' - 27/05/2019
BNEWS Hội thảo chuyên đề về đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong khuôn khổ Bộ chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2019) đã diễn ra ngày 27/5 tại Hà Nội.
Cán bộ Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN 

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổ chức Hội thảo chuyên đề về đánh giá chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong khuôn khổ Bộ chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI 2019). 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhà thuốc, dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu...

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho biết: Từ khảo sát chuyên sâu các nhóm doanh nghiệp và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cơ sở bán lẻ thuốc cho thấy, các quy định hiện hành về thủ tục cấp mới giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) còn nhiều điểm chưa rõ hoặc chưa thống nhất khiến các doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc thực hiện và hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính.

Đơn cử, tài liệu kỹ thuật là thành phần hồ sơ mà doanh nghiệp/nhà thuốc gặp nhiều khó khăn nhất trong việc chuẩn bị do không có quy định rõ ràng về danh mục tài liệu kỹ thuật trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, là việc áp dụng tùy nghi/vận dụng với “quy trình thao tác chuẩn” (thành phần ngoài danh mục hồ sơ nhưng có trong phụ lục chấm điểm GPP).

So với việc đăng ký cấp mới GPP, doanh nghiệp phản ánh việc thực hiện thủ tục đánh giá duy trì GPP là gánh nặng hơn cho doanh nghiệp/nhà thuốc.

Thời hạn giấy GPP là 3 năm nhưng theo quy định hiện hành, doanh nghiệp/nhà thuốc vẫn bị thanh tra, kiểm tra đột xuất trong năm.

Trên thực tế, một năm doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn lẻ kiểm tra (thường 3-4 người/đoàn) gồm: Thanh tra sở, phòng y tế quận, quản lý thị trường, phòng hành nghề y dược của sở… tạo ra gánh nặng về tinh thần, chi phí cho doanh nghiệp/nhà thuốc, nhưng quá trình đánh giá duy trì GPP lại không kế thừa các kết quả thanh, kiểm tra này.

Doanh nghiệp/nhà thuốc có thể bị phạt, không được cấp hoặc bị trì hoãn việc cấp lại GPP do một số lỗi mà theo doanh nghiệp là “có tình huống khó khăn khách quan” như: việc phân loại vị trí một số sản phẩm trong quầy thuốc do không có thông tin/hướng dẫn cụ thể; việc chấp hành quy định dược sĩ phụ trách chuyên môn phải có mặt toàn thời gian tại quầy; việc trình mọi chứng từ, hóa đơn, hợp đồng tại thời điểm kiểm tra đột xuất (trong khi các giấy tờ này có thể đã nộp về công ty theo quy trình kế toán nội bộ)...

Theo bà Phạm Ngọc Thủy, với những doanh nghiệp kinh doanh nhà thuốc theo mô hình chuỗi, khó khăn còn đến từ việc không có quy định rõ ràng về số lần thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý sẽ được tính theo doanh nghiệp hay số lượng nhà thuốc trong hệ thống của công ty; không có tiêu chuẩn về thành phần hồ sơ đăng ký GPP nên hồ sơ đạt chuẩn ở địa phương này có thể không đạt chuẩn ở địa phương khác.

Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn với quy định về lô, đát, trong kiểm soát thông tin người mua, chứng minh bán thuốc theo toa với những thuốc kiểm soát đặc biệt.

Phần lớn doanh nghiệp/nhà thuốc chưa thể nộp báo cáo, thông tin trực tiếp về hoạt động bán thuốc kê đơn lên cổng thông tin của Bộ Y tế do khó kết nối kỹ thuật.

Thiếu cơ sở dữ liệu thông tin ngành và sự kết nối thông tin giữa các sở, đơn vị liên quan nên việc kiểm tra điều kiện “một cử nhân dược chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn cho một nhà thuốc” mỗi nơi thực hiện một cách, làm khó cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, bà Phạm Ngọc Thủy cho hay.

Từ thực tế hoạt động dịch vụ, ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cán bộ, công chức thực thi công vụ bên cạnh việc được đào tạo để có năng lực tốt còn cần có đạo đức tốt.

Dẫn ví dụ từ vụ việc cán bộ hải quan ở cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) nhận tiền bôi trơn của người dân và chủ phương tiện khi đến cửa khẩu làm thủ tục thông quan với lý giải vì “thiếu tiền”, ông chỉ ra thực tế là, dù ý thức chính trị của cấp trên rất tốt, ví dụ Tổng cục Hải quan là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng xuống đến cán bộ áp dụng cụ thể thì vẫn có trường hợp “kiểm tra máy móc không ăn giải gì, nên máy móc phải hư hỏng để kiểm tra bằng tay”.

Theo ông, ngành logistics là “làm dâu trăm họ”, có nhiều bộ quản lý, trong đó chủ yếu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương.

Các chủ trương, đường lối, văn bản trong lĩnh vực này dù chưa đủ minh bạch nhưng cũng đã rõ ràng, song khó khăn nhất là việc áp dụng thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Ngay việc thành lập doanh nghiệp logistics, mỗi sở đã có cách giải thích pháp luật khác nhau, không đồng bộ, đầy đủ, nên bị doanh nghiệp lợi dụng. Vấn đề năng lực cán bộ, áp dụng của từng nơi, từng bộ phận trong ngành logistics là chưa đầy đủ và đúng nghĩa. 

Ông Nguyễn Tương đưa ra câu chuyện từ hội thảo về nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp “than” chở ghe gạo 200 tấn đi từ Cần Thơ lên Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua tất cả các trạm kiểm soát mất 3,5 triệu đồng.

Ông đề nghị nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ làm việc trong khu vực công, áp dụng công nghệ thông tin phải đồng bộ, thông suốt từ trên xuống.

Chia sẻ với ý kiến của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về vấn đề cán bộ, ông Bùi Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 1 thuộc Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, vấn đề đạo đức cán bộ là bài toán mà thời nào cũng phải quan tâm.

Song vị đại diện này cũng bày tỏ, doanh nghiệp phải xem xét lại, vì nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra những yêu cầu rất khó với cơ quan quản lý nhà nước.

“Chúng tôi chỉ có vài người, một ngày tiếp đến mấy chục khách, ngồi hướng dẫn đến nửa tiếng rồi mới bảo anh viết tất cả những lời hướng dẫn của anh ra giấy, ký vào.

Đó là một sự thách thức. Chúng tôi không làm được, đành phải trả lời là nếu cần bằng chứng để kiện lại chúng tôi về sự hướng dẫn thì xin mời có văn bản đến, chúng tôi trả lời bằng văn bản. Mấy chục khách một ngày, bắt làm văn bản làm sao chúng tôi phục vụ được”, ông Bùi Ngọc Dũng chia sẻ. 

Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận 1 cũng đưa câu chuyện cười ra nước mắt khi mất thời gian hướng dẫn rất lâu nhưng rồi nhận được câu trả lời “em không hiểu đâu, em chỉ là shiper thôi (người giao hàng)”.

Đó cũng là sự thách thức với cơ quan quản lý vì không được quyền từ chối shiper đến nộp hồ sơ, họ được doanh nghiệp ủy quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải tiếp, hướng dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục