Bàn giải pháp cắt giảm chi phí thủ tục hành chính

16:32' - 16/04/2019
BNEWS Ngày 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị thảo luận về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Theo đó, đa số các đại biểu nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính được xem là giải pháp chính để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, người dân, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Tư pháp, chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, bao gồm 5 loại chi phí: Chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, phí và lệ phí, chi phí rủi ro pháp lý, chi phí không chính thức.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan, địa phương nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, góp phần nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là chỉ số B1), hướng đến mục tiêu là từ năm 2019 – 2021 Việt Nam đạt kết quả nâng xếp hạng chỉ số B1 từ 5 lên 10 bậc, cụ thể là tăng ít nhất 2 bậc trong năm 2019, tăng từ 3 lên 5 bậc trong năm 2020 và tăng từ 5 lên 10 bậc vào năm 2021. Hiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 96/140 nước về chỉ số B1.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, chi phí thủ tục hành chính được xem là một gánh nặng đối với doanh nghiệp và người dân. Ông Hiếu lấy ví dụ, một doanh nghiệp gia nhập thị trường mất đến 20 ngày làm 9 thủ tục để bắt đầu kinh doanh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Trong đó, ông Hiếu nhận định nhiều loại thủ tục có thể nghiên cứu cắt bỏ hoặc kết hợp trong quá trình làm thủ tục khác, ví dụ như thủ tục: Thông báo mẫu dấu, mua hoặc tự in hóa đơn VAT, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động lần đầu với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội…

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính bằng việc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, trùng lặp; đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ; giảm tần suất thực hiện thủ tục…

Đồng thời, các cơ quan thực thi ở các bộ và ở địa phương cần tổ chức thực thi pháp luật một cách hiệu quả như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đúng hẹn; ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu…

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố góp phần chính trong nhiệm vụ nâng hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật.

Ông Thạch đề xuất chính quyền địa phương cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền; thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị, các bộ, cơ quan, địa phương cần tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực tiễn nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp mới về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo biểu mẫu đã ban hành trước ngày 10 của tháng cuối mỗi quý và trước ngày 10 tháng 12 của năm 2019 để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có hướng dẫn các vấn đề phát sinh./.

Xem thêm:

>>Những “rào cản” lớn với Hợp tác xã kiểu mới

>>Khởi động dự án nâng cấp và phát triển hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục