Bộ Công Thương phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc gắn kết giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thành công của Chính phủ.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang triển khai rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, tác động to lớn đến sự phát triển của quốc gia; trong đó, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính là những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo sát sao.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá, thời gian qua Bộ Công Thương và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phát huy rất tốt vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao với vai trò quan trọng của công nghiệp và thương mại trong nền kinh tế đất nước, tạo nền tảng xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại. Nhờ những cố gắng nỗ lực đó, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Cụ thể, khu vực công nghiệp tăng 8,79% trong năm 2018; tình hình tiêu thụ thuận lợi, tồn kho toàn ngành công nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua; các thị trường xuất khẩu được mở rộng thông qua việc triển khai có hiệu quả 10 Hiệp định Thương mại tự do FTA đã ký kết...
Cùng đó, Bộ Công Thương đã tiên phong trong việc cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã cắt giảm 2 lần với lần đầu cắt giảm 675/1.216 điều kiện; tiết kiệm hơn 122.000 ngày công mỗi năm; và lần thứ hai với 202/461 điều kiện kinh doanh; xóa bỏ khoảng 420/720 mã HS hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, tiết kiệm hơn 40.000 ngày công mỗi năm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã cung cấp tổng số 158 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong đó, 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia.
Đặc biệt, Bộ Công Thương còn là một trong số không nhiều cơ quan triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thực chất và hiệu quả, với tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên môi trường mạng trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đạt 98,8%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ cũng đã rất nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành nói chung và Bộ Công Thương nói riêng để tham mưu, tổng hợp, điều phối, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang triển khai những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa chế độ báo cáo và thúc đẩy chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương cần chủ động trao đổi thông tin, tăng cường tham vấn ý kiến của nhau trong quá trình đề xuất, xây dựng các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp, rà soát các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không để chậm thực hiện các nhiệm vụ.
Mặt khác, trao đổi, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chất lượng, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa chế độ báo cáo và tổ chức triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Công Thương.
Hơn nữa, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó, sẽ thực hiện gửi, nhận văn bản hoàn toàn điện tử (trừ văn bản mật giữa hai cơ quan), bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Công thương với Cổng dịch vụ công quốc gia, giữa hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công Thương với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Triển khai thí điểm hệ thống tham vấn chính sách và hệ thống eCabinet, cũng như việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu chuyên ngành Công Thương với Chính phủ để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đáng lưu ý, hai bên thống nhất hàng năm ban hành thực hiện kế hoạch phối hợp giữa hai cơ quan và tổ chức đánh giá kết quả triển khai để cùng nhìn lại những mặt được, mặt chưa được và đưa ra những giải pháp trong thời gian tới.
Thống nhất với những quan điểm của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong việc chỉ đạo các đơn vị thuộc hai cơ quan trong công tác phối hợp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nội dung Quy chế ký kết ngày hôm nay chỉ là sự phối hợp bước đầu của hai cơ quan trong công tác tham mưu xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Do vậy, hai đơn vị sẽ bắt tay thực hiện ngay các nhiệm vụ, tăng cường tần suất phối hợp, giao quyền, phân cấp, cụ thể trong từng lĩnh vực để các đơn vị trực thuộc hai cơ quan phối hợp, triển khai một cách hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, định kỳ 6 tháng, hai cơ quan nên tổ chức giao ban nhằm sơ kết những nhiệm vụ đã triển khai.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết, Bộ Công Thương sẽ triển khai, thực hiện theo Quy chế với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hướng tới sự hợp tác toàn diện, thực chất, đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng hy vọng, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ trở thành bài học kinh nghiệm để từ đó nhân rộng tới các Bộ, ngành, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Công Thương cho biết, Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính quy định mục đích, hình thức, nội dung phối hợp về tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương (áp dụng đối với hai cơ quan và các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc hai cơ quan).
Quy chế cũng nêu rõ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này, tạo điều kiện cho hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hàng năm, ban hành, thực hiện, đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương làm đấu mối giúp việc lãnh đạo hai cơ quan theo dõi, đôn đốc thực hiện Quy chế này.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất, báo cáo lãnh đạo hai cơ quan xem xét, quyết định./.
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Bộ Công Thương lý giải về thông tin 30% giá thành năng lượng tái tạo nằm ở thủ tục
15:16' - 09/05/2019
Giá thành năng lượng tái tạo có tới 30% nằm ở khâu quy trình thủ tục là chưa có cơ sở.
-
Thị trường
Bộ Công Thương: Minh bạch người ban hành quyết định kiểm tra thị trường
16:11' - 16/04/2019
Bộ Công Thương đang xin ý kiến góp ý để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 148/2016/NĐ-CP của Chính phủ...
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Nghị quyết 57: Nắm bắt cơ hội đột phá từ ngoại giao khoa học và công nghệ
21:49' - 16/02/2025
Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
-
Kinh tế Việt Nam
Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách
16:07' - 16/02/2025
Năm 2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 81.218 tỷ đồng, gồm: 71.284 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2025 và 9.394 tỷ đồng từ nguồn vượt thu tiết kiệm chi năm 2022.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất giải pháp để công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
16:06' - 16/02/2025
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo.
-
Kinh tế Việt Nam
Tinh gọn bộ máy: Nhanh chóng kiện toàn, triển khai công tác theo mô hình tổ chức mới
11:12' - 16/02/2025
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thảo luận ở tổ ngày 13/2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước là điều người dân mong đợi từ lâu.
-
Kinh tế Việt Nam
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong triển khai các dự án đường sắt, đường đô thị
19:36' - 15/02/2025
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian sẽ giảm từ 3-5 năm trong triển khai các dự án đường sắt, đường đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Khơi thông nguồn lực đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%
17:32' - 15/02/2025
Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đi sau thì phải đi tắt, đón đầu về khoa học công nghệ
16:29' - 15/02/2025
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đi sau thì phải biết đi tắt, đón đầu khoa học công nghệ. Thế giới phát triển, mình không biết người ta đi đến đâu, đi theo người ta thì lúc nào cũng “lũn cũn” đi sau.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất hàng trăm trường hợp thuộc vùng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được mua nhà ở xã hội
15:40' - 15/02/2025
Ngày 15/2, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đồng Nai cho biết đã cơ bản hoàn thành việc xét tái định cư cho các trường hợp vùng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua thành phố Biên Hòa).
-
Kinh tế Việt Nam
Bên lề Quốc hội: Cần có cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân
14:19' - 15/02/2025
Bên lề Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu khẳng định việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận rất cần thiết trong bối cảnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.