Thủ tướng: Cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

19:00' - 24/12/2020
BNEWS Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tại Hội nghị "Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020 là năm nhiều thách thức, khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp nhưng ngành đầy bản lĩnh và giành thắng lợi toàn diện.

Đây là năm ngành thành công với nhiều điểm sáng toàn diện, hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng Nhà nước giao.

Đó là, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,65%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên 62%; kim ngạch xuất khẩu trên 41,2 tỷ USD, thặng dư thương mại trên 10 tỷ USD, đặc biệt là mặt hàng gạo xuất khẩu lần đầu tiên đạt trên 3 tỷ USD. Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò an ninh lương thực, là bệ đỡ, là cứu cánh nền kinh tế quốc gia. 

Năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Thủ tướng yêu cầu, tốc độ tăng trưởng GDP ngành năm 2021 đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 44 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42%, đồng thời nâng cao chất lượng rừng.

Để đạt mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về chính sách như chính sách về đất đai, tín dụng.. nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Về phát triển thị trường, ngành coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước. Tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới.

Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đi đôi với đẩy mạnh Chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị".

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2020, nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch COVID-19, thiên tai khốc liệt dị thường.

Điển hình đêm giao thừa Xuân Canh Tý mưa rào diện rộng hơn 120 mm ở thành phố Hà Nội và các tỉnh Đđồng bằng sông Hồng; sáng ngày mồng 1 Tết mưa đá diện rộng ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc; nửa đầu năm hạn khắc nghiệt ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam; hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả mốc lịch sử năm 2016. Vào tháng 10 - tháng 11 bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung vượt xa các mốc lịch sử quan trắc trước đó.

Cùng với đó, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp như dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn...

"Có thể nói năm 2020 là một năm hết sức khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng cao độ để vươn lên hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của ngành", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Sản lượng lúa đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Rau, màu, cây ăn quả tăng cả về diện tích, sản lượng và chất lượng. Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học.

Sản lượng thịt các loại, trứng, sữa đều tăng từ 3,5% - 12,9%. Bộ đã cùng các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác; đồng thời thúc đẩy tái đàn lợn an toàn.

Là địa phương đạt nhiều kết quả tích cực trong cơ cấu lại nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, năm 2020, tỉnh có mức tăng trưởng nông nghiệp cao nhất từ trước đến nay. Có được kết quả trên là do tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều hành sản xuất.

Trong chăn nuôi, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là phòng chống dịch tả lợn châu Phi và tái đàn lợn an toàn. Tỉnh xác định nếu không khống chế được dịch thì sẽ không tái đàn được. Cùng với phòng dịch, tỉnh đẩy nhanh tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Phát huy lợi thế, tỉnh cũng đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm.

Bắc Giang sở hữu diện tích cây ăn quả lớn, tỉnh đa dạng hóa cây ăn quả để 4 mùa đều có sản phẩm với tiêu chuẩn chất lượng cao. Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng mùa vải thiều vừa qua đã được tiêu thụ tốt, mang lại doanh thu cao, từ đó có nguồn lực xây dựng nông thôn mới, ông Lê Ánh Dương cho hay.

Năm 2020, thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật. Để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã chủ động, phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành trong việc xúc tiến thương mại. Sự chủ động của từng cán bộ, địa phương đã tháo gỡ được nhiều khó khăn. Những nội dung Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương triển khai xúc tiến thương mại đã không phải là việc của riêng bộ, ngành nào, điển hình như việc gạo đi EU, sữa đi Trung Quốc…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, sản xuất nông nghiệp phải gắn tín hiệu thị trường nhưng làm thế nào để thực hiện khẩu hiệu này. Vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành là chuyển tín hiệu này đến với nông dân.

Tuy tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức khá cao 2,65%, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành vẫn có lĩnh vực mức tăng không đạt mục tiêu đề ra, như thủy sản chỉ tăng 2,63%, trong khi mục tiêu đề ra 5,22%. Đổi mới hợp tác xã và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chưa đạt mục tiêu có 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Hay việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ còn chậm; có thời điểm  cung - cầu thịt lợn mất cân đối, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây áp lực tăng lạm phát. Tuy đã chủ động, cố gắng nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn; các nghiên cứu, tổng kết đánh giá, đưa ra các kịch bản với những tình huống thiên tai lớn, phức tạp còn hạn chế, chưa phù hợp thực tế.

Năm 2021, tình hình quốc tế và trong nước được dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt. Điều này đòi hỏi toàn ngành vừa có những ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất.

Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn phồn thịnh, văn minh.

Bộ phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có. Bộ xây dựng, triển khai thực hiện Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh ngay từ "Tết trồng cây" xuân Tân Sửu năm 2021, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở.

Trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ sẽ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục